Sidebar

Magazine menu

14
Tue, May

Tọa đàm “Chuyển đổi số tạp chí quản lý và kinh tế quốc tế" và ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí (Tiếng Việt) nhiệm kỳ 2024 – 2028

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 06/3/2024, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (QL&KTQT), Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số tạp chí quản lý và kinh tế quốc tế: yêu cầu và những vấn đề đặt ra” và ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí ấn phẩm Tiếng Việt nhiệm kỳ 2024 – 2028.

 

Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu khách mời: GS, TS Hoàng Văn Châu - Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí QL&KTQT; PGS, TS Bùi Văn Huyền - VIện trưởng, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture cùng các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Từ Thúy Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; lãnh đạo các đơn vị trong trường, các tác giả, phản biện, các nhà khoa học và Ban Biên tập Tạp chí.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã gửi lời chúc mừng tới Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế vì những kết quả và thành công đạt được trong năm 2023. Những thành tựu này đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo nhà trường, sự đồng hành hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài trường, tập thể cán bộ Tạp chí và trên hết là sự đồng hành hỗ trợ của Hội đồng Biên tập. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược Chuyển đổi số trong quá trình phát triển của Trường ĐH Ngoại thương cũng như của Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế. Thầy bày tỏ kỳ vọng rằng Tạp chí nhận được sự đóng góp và xây dựng từ phía các nhà khoa học và quý khách mời tham dự để Tạp chí có định hướng và giải pháp cụ thể cho hoạt động chuyển đổi tạp chí được thực hiện thành công trong thời gian sớm nhất.

Tiếp nối chương trình, TS. Chu Thị Mai Phương đã giới thiệu thành viên Hội đồng Biên tập ấn phẩm Tiếng Việt nhiệm kỳ 2024 - 2028 với 37 thành viên, hoạt động từ ngày 01/01/2024.

Tiếp nối Tọa đàm, PGS, TS, Từ Thúy Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế đã chia sẻ bài Tham luận: “Chuyển đổi số Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế: Yêu cầu và những vấn đề đặt ra”. Bài tham luận đã chỉ ra chặng đường phát triển và những thành tựu mà Tạp chí đã đạt được trong năm 2023, đặc biệt là sự hiện diện của Tạp chí trong các cơ sở dữ liệu, chỉ mục quốc tế như: Proquest, EBSCO, Semantic Scholar, Dimensions và ResearchGate hay hệ thống các Thư viện điện tử: WorldCat, Thư viện điện tử ĐH Harvard, Thư viện điện tử ĐH Cambridge…. Bên cạnh đó, PGS, TS. Từ Thúy Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Chuyển đổi số Tạp chí trong thời đại Công nghệ 4.0. Cục Báo chí đã ban hành các tiêu chí chấm điểm mức độ Trưởng thành Chuyển đổi số Báo chí, đây sẽ là cơ sở để Tạp chí tiếp tục xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số Tạp chí, từ đó không chỉ giữ vững mà tiếp tục phát triển cả về uy tín lẫn chất lượng trong cộng đồng các Tạp chí khoa học.

Phiên thảo luận mở được điều phối bởi PGS. TS Đào Ngọc Tiến và PGS. TS Từ Thúy Anh. Chia sẻ tại Tọa đàm, GS, TS Hoàng Văn Châu - Thành viên Hội đồng Biên tập đã gửi lời chia sẻ và chúc mừng những cột mốc mà Tạp chí QL&KTQT đã đạt được trong thời gian vừa qua. GS, TS Hoàng Văn Châu đã nhấn mạnh sự phát triển về công nghệ thông tin và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết trong quá trình phát triển của tạp chí khoa học và đặc biệt là Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, từ đó giúp Tạp chí nhanh chóng phát triển, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của Trường ĐH Ngoại thương.

TS Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture, thành viên Hội đồng Biên tập đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc Liên kết xuất bản trong quá trình phát triển và kế hoạch Chuyển đổi số của Tạp chí. Thông qua việc Liên kết xuất bản, Tạp chí sẽ có sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng nghiên cứu quốc tế, từ đó không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của Tạp chí mà đồng thời sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn của Tạp chí đạt chuẩn các tiêu chí quốc tế.

PGS, TS. Bùi Văn Huyền đã bày tỏ niềm vui khi đồng hành với Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế với vai trò Thành viên Hội Đồng Biên tập. PGS, TS Bùi Văn Huyền đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn trên con đường phát triển của Tạp chí khoa học và đặc biệt trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và yêu cầu về chuyển đổi số báo chí, vai trò của tài chính, nguồn lực là vô cùng quan trọng để giúp Tạp chí đạt được những mục tiêu đã đề ra.

PGS, TS Lê Thái Phong - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Ngoại thương, Thành viên Hội đồng Biên tập đã nêu bật những lợi thế mà Tạp chí đang có về chất lượng, quy trình biên tập và áp dụng công nghệ trong quy trình xuất bản giúp các tác giả và phản biện được tạo điều kiện tối đa trong quá trình đăng bài. Bên cạnh những điểm mạnh, PGS, TS Lê Thái Phong cũng mong muốn Tạp chí sẽ thực hiện những hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trên các nền tảng và hoạt động, từ đó ngày càng nâng cao vị thế của một Tạp chí khoa học hàng đầu.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS, TS. Bùi Anh Tuấn đã gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học đã tham gia và đóng góp những ý kiến vô cùng sâu sắc cho sự phát triển của Tạp chí. PGS, TS. Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh Trường Đại học Ngoại thương sẽ luôn đồng hành cùng Tạp chí trong các hoạt động chuyên môn và các bước phát triển chuyển đổi số, đưa Tạp chí nhanh chóng đạt được những mục tiêu đề ra.