Sidebar

Magazine menu

12
Sun, May

Hội thảo quốc tế "Giảng dạy và nghiên cứu Tiếng Nhật: Đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật thương mại trong thời đại VUCA”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 15/9/2023, Khoa Tiếng Nhật, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề "Giảng dạy và nghiên cứu Tiếng Nhật: Đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật thương mại trong thời đại VUCA”. 

Đây là một trong những hoạt động được Trường ĐH Ngoại thương tổ chức hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. 

Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản quản lý Nhà nước có Bà Lâm Thị Thanh Phương - Phó vụ trưởng vụ Đông Bắc Á, Bộ ngoại giao. Về phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng các cơ quan tổ chức của Nhật Bản có Bà Okamoto Noriko - Bí thư thứ hai phụ trách giáo dục, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Doi Katsuma - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản; Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội; Ông Kinoshita Tadahiro - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam JCCI; cùng lãnh đạo một số công ty, trường Đại học Nhật Bản. 

Về phía trường ĐH Ngoại thương có sự hiện diện của PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; TS Trần Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Tiếng Nhật; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong trường; Các Thầy cô và các em sinh viên Khoa Tiếng Nhật. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới các đại biểu, khách mời cùng các diễn giả đã tới tham dự và hỗ trợ cho thành công chung của Hội thảo. PGS, TS Phạm Thu Hương chia sẻ, Trong bối cảnh VUCA, với tầm nhìn chiến lược trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương luôn chú trọng đổi mới sáng tạo trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao, phục vụ cộng đồng, trong đó kết nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái được xem là giải pháp hiệu quả trong việc huy động nguồn lực cho thực hiện đổi mới sáng tạo và thích ứng với bối cảnh. 

Trên cơ sở tầm nhìn chiến lược của nhà trường, lịch sử phát triển cũng như những thành tựu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu tiếng Nhật, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hội thảo khoa học quốc tế này được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp liên quan đến nguồn nhân lực tiếng Nhật có cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, đánh giá cũng như đưa ra các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy tiếng Nhật trong bối cảnh VUCA. PGS, TS Phạm Thu Hương cũng bày tỏ tin tưởng rằng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp liên quan tới nguồn nhân lực tiếng Nhật sẽ giúp chúng ta dễ dàng đối mặt với những thách thức đang đặt ra trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nhật nói chung, Tiếng Nhật Thương mại nói riêng trong thời đại VUCA. Nhân dịp này, PGS, TS Phạm Thu Hương đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản, Việt Nam, các Diễn giả đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam và toàn thể các đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ nhiệt tình để Nhà trường có thể tổ chức được Hội thảo này.  

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Okamoto Noriko - Bí thư thứ hai phụ trách giáo dục Đại sử quán Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ sự ghi nhận và tri ân tới Nhà trường. Trường ĐH Ngoại thương là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên triển khai đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam và trong thời gian dài đã đào tạo ra nguồn nhân lực tiếng Nhật xuất sắc, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật thương mại. Nhấn mạnh tính thời đại và cấp thiết của chủ đề Hội thảo, Bà Okamoto Noriko bày tỏ kỳ vọng Hội thảo sẽ mang đến kiến thức trao đổi thú vị, ý nghĩa cho người tham dự. 

Hội thảo gồm hai phần chính: các tham luận dẫn đề và thảo luận. Tại phiên phát biểu tham luận dẫn đề, Hội thảo đã lắng nghe 3 tham luận: “Đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật trong thời đại VUCA” của TS Kondoh Aya - Trưởng Khoa sau đại học nghiên cứu văn học, Trường Đại học Nữ sinh Showa, Nhật Bản, Chủ tịch Hội nghiên cứu Tiếng Nhật thương mại; Tham luận “Đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật trong thời đại VUCA- Thực tế áp dụng phương pháp học tập tích cực trong đào tạo tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại thương” của TS Trần Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại Thương; Tham luận “Đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật trong thời đại VUCA - Nhật Bản và sự chuyển mình thành xã hội đa dạng” của Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại Hà Nội. 

Trong bài diễn thuyết chính, Giáo sư Kondo Ayame đã chia sẻ với Hội thảo về nhu cầu nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản, sự thay đổi về chất lượng giảng dạy tiếng Nhật gần đây, đặc biệt là về khả năng của giáo viên cần thiết khi đào tạo nhân lực tiếng Nhật và sự cần thiết của việc đào tạo giáo viên. Bên cạnh dẫn chứng những ví dụ cụ thể trong bài diễn thuyết của mình, Giáo sư Kondo Ayame đã đề xuất những gợi ý quan trọng như việc phát triển giáo dục tiếng Nhật liên quan đến doanh nghiệp, tăng cường đào tạo giáo viên và hỗ trợ học tiếng Nhật ở Việt Nam.

Tiếp nối chương trình, TS Trần Thị Thu Thuỷ đã trình bày về phương pháp giảng dạy tiếng Nhật sử dụng hình thức học tập tích cực thông qua việc tiến hành khảo sát dựa trên câu hỏi cho các cựu sinh viên để giới thiệu hiệu quả và cách sử dụng.

Khép lại phiên tham luận, Ông Nakajima Takeo đã chia sẻ về loại nguồn nhân lực tiếng Nhật trong thời đại VUCA từ quan điểm của Nhật Bản và so sánh nó với quan điểm của Việt Nam. Ông đã đề xuất một số giải pháp cụ thể mà người học tiếng Nhật ở Việt Nam cần thực hiện và những gì các doanh nghiệp Nhật Bản cần làm khi tuyển dụng nguồn nhân lực tiếng Nhật.

Phần thảo luận bàn tròn đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả: Ông Mori Hayato - Giám đốc công ty cổ phần Mori Kosan; Ông Đặng Khải Hoàn - Trưởng ban truyền thông toàn cầu, công ty FPT Software; Ông Yonezawa Hiroyuki - Giám đốc điều hành TNHH Tư vấn Quản lý Chuyên nghiệp Aureole (AXIS); Bà Siriwan Preechanaritn- Trưởng Bộ môn Tiếng Nhật thương mại, Trường đại học Assumption, Thái Lan; Ông Phạm Huỳnh Anh Việt - Phó viện trưởng Viện công nghệ Việt – Nhật, Trường ĐH Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

Các diễn giả đã giới thiệu về hệ thống nhân sự và môi trường làm việc của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc điểm và lợi ích của Kỳ thi kiểm định năng lực tiếng Nhật dành cho doanh nghiệp (BJT), nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp Công nghệ thông tin, và các nỗ lực giảng dạy tiếng Nhật tại các trường đại học ở Thái Lan và Việt Nam từ cả hai quan điểm của doanh nghiệp và trường học. Theo đó, các diễn giả đều thống nhất quan điểm: Trong thời đại VUCA, thời đại mà tương lai khó dự đoán, việc tôn trọng sự đa dạng, và luôn sẵn sàng thách thức, cùng với sự hợp tác lẫn nhau, sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Phát biểu tổng hết hội thảo, TS Trần Thị Thu Thuỷ bày tỏ hy vọng vọng rằng Hội thảo đã cung cấp những gợi ý hữu ích về việc giảng dạy tiếng Nhật, nghiên cứu tiếng Nhật và phát triển nguồn nhân lực tiếng Nhật. Gửi lời cảm ơn tới các diễn giả và người tham dự, TS Trần Thị Thu Thuỷ bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội để Nhà trường hợp tác và gặp gỡ các chuyên gia, diễn giả của Hội thảo. 

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Buổi Tri ân các đối tác Nhật Bản: Chặng đường 50 năm đồng hành. Thay mặt Nhà trường, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường đã gửi lời cảm ơn và tri ân tới các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp, đại học Nhật Bản vì đã đồng hành, hỗ trợ Nhà trường trong suốt thời gian qua, cũng như bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ để thực hiện, triển khai chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2040. 

Dưới đây là link của Hội thảo và Buổi Tri ân các đối tác Nhật Bản: link