Sidebar

Magazine menu

13
Mon, May

Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình đào tạo cử nhân chính quy song bằng giữa trường ĐH Ngoại thương và ĐH Queensland (Australia) ngành/chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Phân tích dữ liệu kinh doanh

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 10/01/2024, Trường ĐH Ngoại thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình đào tạo cử nhân chính quy song bằng giữa trường ĐH Ngoại thương và ĐH Queensland (Australia) – Đại học được xếp hạng thứ 43 thế giới (năm 2024, theo QS World University Rankings 2024: Top global universities) với ngành/chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Phân tích dữ liệu kinh doanh.

Hội thảo có sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Nhà trường, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, người học, giảng viên và các chuyên gia đến từ các đơn vị đào tạo nhằm đánh giá tổng quan nội dung chương trình đào tạo.

Về phía khách mời, Hội thảo đã đón tiếp các nhà quản lý cấp cao đến từ các doanh nghiệp lớn như PwC Việt Nam, Viettel, MB Bank, Datapot Analytics Group, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư quốc tế Đông Phương, Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải…; và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đến từ các trường đại học như: ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Nam Columbia tại Việt Nam,…; và các cựu sinh viên Nhà trường.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương, Hội thảo có sự tham gia của PGS, TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo; PGS, TS Bùi Thị Lý - Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế; PGS, TS Lê Thái Phong - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh; ThS Nguyễn Thị Kiều Minh - Phó Viện trưởng Viện Phát Triển Nguồn Nhân Lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC); PGS, TS Nguyễn Thị Thuỳ Vinh - Trưởng ban xây dựng và phát triển chương trình, cùng giảng viên, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế và đại diện của các đơn vị chức năng trong Nhà trường.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương nêu ra sự cần thiết của Phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, trong bối cảnh nền công nghiệp lần thứ tư. Khi được trang bị những kiến thức về công nghệ, kỹ năng phân tích dữ liệu, sinh viên sẽ có thêm hành trang vững chắc hơn sau khi tốt nghiệp, có thể có những trải nghiệm nghề nghiệp đa dạng hơn, có lối tư duy đa chiều và áp dụng những kiến thức liên ngành linh hoạt hơn. PGS, TS Vũ Thị Hiền cũng nhấn mạnh điểm mới của chương trình song bằng hợp tác cùng ĐH Queensland (Úc) khi được thừa hưởng những thành tựu, kinh nghiệm triển khai đào tạo của Nhà trường trong lĩnh vực Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh số đồng thời hội nhập giáo dục chuẩn quốc tế với chương trình được thiết kế tương đồng với chương trình danh giá (Advanced Program) của ĐH Queensland cùng với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư đến từ đại học này. Qua đây, PGS, TS Vũ Thị Hiền thể hiện những kỳ vọng của Nhà trường về một chương trình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực tinh hoa với những năng lực vượt trội, sẽ là một chương trình nổi bật, thu hút nhân tài và được xã hội chào đón.



Đại diện Ban soạn thảo Chương trình đào tạo, PGS, TS Nguyễn Thị Thuỳ Vinh trình bày tổng quan về những nội dung chính trong Chương trình đào tạo bao gồm: Mục tiêu, Chuẩn đầu ra và Nội dung chương trình đào tạo. Phần trình bày đã nhấn mạnh những giá trị khác biệt mà Chương trình mang lại, có sự liên thông với chương trình đào tạo danh giá của ĐH Queensland đạt tới những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất; Cơ hội nhận được 2 bằng Đại học của Queensland và Trường ĐH Ngoại thương; Tính liên ngành giữa Kinh doanh quốc tế và Phân tích dữ liệu kinh doanh; Chuỗi các dự án thực hành, thực chiến vận dụng kiến thức vào thực tiễn xuyên suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 cùng với sự giảng dạy, hỗ trợ của các giáo sư đến từ ĐH Queensland và doanh nghiệp trong nước, quốc tế…; Chương trình mở ra nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên lựa chọn những chuyên sâu phù hợp với định hướng và mong muốn của bản thân. Sinh viên tham gia chương trình có cơ hội tham gia chương trình thực tập toàn cầu (Global FTU Ambassador - GFA).

Hội thảo đã có những tham luận đến từ TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, Viện Kinh tế và Quản lý, ĐH Bách khoa Hà Nội với chủ đề “Chương trình đào tạo Đại học về Phân tích dữ liệu kinh doanh: Một số kinh nghiệm trong thiết kế và triển khai thực hiện”. TS Nguyễn Tiến Dũng đã trình bày những điểm nổi bật trong thiết kế chương trình Phân tích kinh doanh của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và lộ trình học. Hơn nữa, TS Nguyễn Tiến Dũng còn chỉ ra những bài toán thách thức trong việc triển khai thực hiện, từ đó gửi đến những lời khuyên thiết thực và kinh nghiệm về việc xây dựng chương trình về Phân tích dữ liệu kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, Bà Cao Cẩm Linh - Tư vấn trưởng Công ty Cổ phần tư vấn Viettel đã trình bày tham luận với chủ đề “Nhu cầu và kỳ vọng trong Phân tích dữ liệu kinh doanh”. Bà Cao Cẩm Linh đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong logistics và chuyển đổi số, hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý cấp cao, từ đó có nhận định về Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics): Phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả dữ liệu kinh doanh và phi kinh doanh, nhằm đưa ra thông tin hữu ích, hỗ trợ ra quyết định trên nhiều mảng. Hơn nữa, các công ty lớn hoặc đa ngành cần nhiều Chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh khác nhau, hoạt động ở các mức độ trưởng thành khác nhau, trong đó thực trạng nhân lực còn thiếu BA non IT, cần những nhân sự có khả năng về hiểu về quy trình, nghiệp vụ. Từ đó, Bà bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn vào chương trình đào tạo mới của Trường ĐH Ngoại thương.

Sau phần trình bày của các diễn giả, phiên tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với những thảo luận, đóng góp ý kiến từ các diễn giả và khách mời và các sinh viên, giảng viên về xây dựng Chương trình đào tạo chính quy song bằng ngành/chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Phân tích dữ liệu kinh doanh.
Các nhà quản lý cấp cao đến từ doanh nghiệp cho rằng Phân tích dữ liệu kinh doanh khi có nền tảng là kiến thức kinh tế, kinh doanh sẽ có lợi thế nhanh nắm bắt được quy trình, sản phẩm dịch vụ của công ty, nhạy bén về góc nhìn người dùng để đưa ra được những đề bài phù hợp. Các chuyên gia, khách mời từ các trường đại học và doanh nghiệp đều đánh giá cao về thiết kế Chương trình và bày tỏ sự mong đợi rằng Chương trình này sẽ cung cấp được nguồn nhân lực xuất sắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.


Những đóng góp của các đại biểu, khách mời góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng khung năng lực và thiết kế chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Nhà trường hy vọng các thầy cô, doanh nghiệp, các chuyên gia giáo dục sẽ tiếp tục đồng hành với Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian tới để phát triển chương trình đào tạo mới với sản phẩm là nguồn nhân lực chất lượng cao với đầy đủ kiến thức, kĩ năng và năng lực tự chủ, trách nhiệm để trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
-----