Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường trả lời phỏng vấn tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc đa dạng các tiêu chí, phương thức xét tuyển

Các hoạt động tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp

"Với trách nhiệm của một trường đại học có uy tín tại Việt Nam, chúng tôi luôn đặt nguyên tắc vừa phải đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học của mọi đối tượng người học đồng thời mang lại môi trường học tập có tính hội nhập cao cho sinh viên Việt Nam.

Việc đa dạng hoá chương trình đào tạo, đa dạng hoá phương thức tuyển sinh để phù hợp với chương trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay không đi ngược lại với nguyên tắc này và phải đảm bảo lộ trình ổn định qua các năm (sự thay đổi chỉ tiêu ở các phương thức cũng như chỉ tiêu của phương thức mới không được gây ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị của thí sinh). Điều này sẽ giúp cho người học có được lựa chọn xét tuyển phù hợp với năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp của mình.

Năm 2022 bên cạnh các chương trình đào tạo đã tuyển sinh năm 2021, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II - Thành phố Hồ Chí Minh) thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội).

Chương trình Kinh doanh số được xây dựng dựa trên hai trụ cột là công nghệ và kinh doanh, cùng với đó, có sự kết nối, bổ sung chặt chẽ giữa hai trụ cột này với nhau. Chương trình áp dụng phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực học tập dựa trên tìm hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và năng lực ứng dụng thực tiễn cho sinh viên theo cấp độ tăng dần. Mô hình đào tạo DBIZ với chuỗi học phần “DBiz - Dự án kinh doanh số I, II, III” ứng dụng phương pháp “học tập từ dự án” (Project-based learning) đồng thời sử dụng kết hợp phương pháp “đồng giảng dạy” (Co-teaching) 3 bên bao gồm giảng viên trường Đại học Ngoại thương, các giáo sư của các trường đại học nước ngoài, và các chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước .

Chương trình Marketing số được tổ chức đào tạo đặc thù theo định hướng ứng dụng, được xây dựng trên nền tảng lợi thế cạnh tranh truyền thống về đào tạo kinh tế, kinh doanh quốc tế của trường Đại học Ngoại thương kết hợp với nghiệp vụ marketing nền tảng và marketing số áp dụng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong môi trường số. Chương trình kết hợp kiến thức và kỹ năng marketing, marketing số với kỹ năng triển khai thực chiến trên nền tảng công nghệ số. Năng lực thực chiến được phát triển theo mô hình FDMAP từ cơ bản đến nâng cao qua 4 năm đào tạo. Chương trình sử dụng nguồn lực giảng viên đại học song hành với các chuyên gia doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng thực chiến trên nền tảng công nghệ số, đào tạo năng lực thực hành với hạ tầng công nghệ số về nghiên cứu thị trường, tổ chức vận hành kênh bán số và, truyền thông.

Chương trình Truyền thông marketing tích hợp định hướng nghề nghiệp quốc tế được xây dựng trên cơ sở tham khảo chuyên ngành Truyền thông marketing tích hợp của nhiều trường đại học trên thế giới tại Mỹ, Anh, Australia, Singapore, vì vậy, tiệm cận với các chương trình quốc tế, giúp sinh viên dễ dàng tham gia các hoạt động trao đổi học thuật, học sau đại học, tham gia thị trường nhân lực quốc tế. Chương trình được xây dựng theo hướng có sự kết nối và hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và có tính ứng dụng cao. Nội dung giảng dạy được tổ chức thông qua chuỗi học phần thực hành dưới hình thức thực hiện dự án (FIMC). Chuỗi học phần ứng dụng được thiết kế theo cấp độ tăng dần, từ mức độ cơ bản là sinh viên chỉ quan sát thực tiễn vào năm thứ nhất, phát triển dần tới cấp độ cao là sinh viên tự mình xây dựng và triển khai một dự án Marketing truyền thông tích hợp hoàn chỉnh."

Chi tiết xem tại: https://m.giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-sinh-co-nhieu-co-hoi-vao-nganh-yeu-thich-khi-phuong-thuc-xet-tuyen-da-dang-post223774.gd