Ngày 10/4/2025, Ban thực hiện Đề án Chuyển đổi số, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, giảng dạy”, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong hoạt động học thuật.
Sự kiện thu hút hơn 100 cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong và ngoài trường tham dự.
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả uy tín trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục gồm: PGS, TS Ngô Quốc Dũng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu Điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); TS Hoàng Huệ Chi và TS Nguyễn Bảo Ngọc - Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương). Các diễn giả đã mang đến nhiều chia sẻ giá trị xoay quanh tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là Generative AI (GenAI), trong công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Tại sự kiện, người tham dự được giới thiệu những kiến thức tổng quan về AI, GenAI, cách đặt câu lệnh hiệu quả cũng như các kỹ thuật sử dụng AI như công cụ hỗ trợ trong thiết kế đề cương môn học, soạn giáo án, ra đề thi, chấm thi; đồng thời khai thác AI trong tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu và phản biện học thuật.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng cập nhật nhiều xu hướng công nghệ mới như trí tuệ tăng cường, các công cụ AI hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Đây được xem là những giải pháp quan trọng giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ tại các cơ sở giáo dục đại học.
Phần trao đổi, thảo luận giữa các diễn giả và người tham dự diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề được quan tâm như đạo đức và bản quyền trong sử dụng AI, cách sử dụng AI một cách chính xác, an toàn và hiệu quả trong môi trường học thuật.
Theo kết quả khảo sát nhanh sau tọa đàm, phần lớn người tham dự đánh giá cao nội dung chương trình, cho rằng đây là hoạt động thiết thực, hữu ích và cần được nhân rộng trong thời gian tới.