Sidebar

Magazine menu

13
Mon, May

Buổi thảo luận “Vai trò của thương mại quốc tế đối với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 24/10/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức buổi thảo luận với chủ đề “Vai trò của thương mại quốc tế đối với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

 

Mục đích của buổi thảo luận nhằm phân tích rõ vai trò của thương mại và đầu tư quốc tế đối với sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, đồng thời đưa ra những đánh giá, dự báo và gợi ý chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia trong bối cảnh mới.

Tham dự buổi tọa đàm có sự hiện diện của TS Emily Blanchard - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban các vấn đề quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (QLKH); ThS Đào Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế (HTQT); TS Cao Thị Hồng Vinh - Điều phối phiên thảo luận; Đại diện Phòng QLKH, Phòng HTQT, Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường, cùng các cán bộ giảng viên và sinh viên nhà trường, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học ở trong và ngoài Trường.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh sự tăng trưởng nhanh chóng về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua. Tổng kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh và chạm mốc 123 tỷ đô la trong năm 2022. Với 1.270 dự án, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam gần 12 tỷ đô la Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia còn được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, giáo dục, năng lượng xanh, sức khỏe… PGS, TS Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong đó có trường ĐH Ngoại Thương trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Nguồn nhân lực cho các ngành liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế được đào tạo trong các chương trình liên kết với nhiều trường đại học đối tác đến từ Hoa Kỳ.

Tại buổi thảo luận, TS Emily Blanchard đã chia sẻ quan điểm về vai trò quan trọng của thương mại quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế. Thương mại quốc tế tác động tới tăng trưởng kinh tế thông qua việc gia tăng lợi tức cho vốn con người và vốn con người là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Thương mại quốc tế cũng giúp gia tăng tính tự cường của các quốc gia trong bối cảnh ngày càng có nhiều cuộc khủng hoảng đã và sẽ diễn ra trên toàn thế giới. TS Emily Blanchard nêu rõ Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở thương mại và đầu tư quốc tế mà còn được ở rộng trong các lĩnh vực như hợp tác về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, năng lượng xanh, biến đổi khí hậu toàn cầu… TS Emily Blanchard bày tỏ sự tin tưởng rằng sinh viên trường ĐH Ngoại thương sẽ là những người kiến tạo xuất sắc tương lai của đất nước, khu vực và thế giới khi được tiếp cận với nhiều chương trình đào tạo tiên tiến hợp tác với các trường đại học Hoa Kỳ. Vì vậy, đầu tư phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam cũng là một trong những ưu tiên của Hoa Kỳ.

Tiếp theo đó, PGS, TS Đào Ngọc Tiến chia sẻ những đánh giá về sự gia tăng nhanh chóng thương mại quốc tế giữa hai quốc gia trong thời gian qua. Quan hệ thương mại hai chiều giữa hai quốc gia ngày càng đa dạng, năng động, chặt chẽ hơn và với những sản phẩm có chất lượng, hàm lượng khoa học và công nghệ ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, quan hệ đầu tư giữa hai quốc gia cũng phát triển ở một tầm cao mới. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia phát triển nhanh không chỉ đơn thuần là do lợi thế so sánh mà còn do hai quốc gia có cùng tầm nhìn về sự phát triển bền vững không chỉ cho hai quốc gia mà còn cho khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, hai quốc gia còn có sự hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật, công nghệ và các lĩnh vực khác vì sự phát triển của khu vực và thế giới.

Tham gia vào phần thảo luận, TS Trần Toàn Thắng nhấn mạnh tới cơ cấu và chất lượng của quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia để thương mại có thể đóng góp thực sự vào tăng trưởng kinh tế. TS Trần Toàn Thắng cho rằng khi quan hệ giữa hai quốc gia được nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện, chính phủ hai quốc gia cần có những chính sách phù hợp để thay đổi cơ cấu và chất lượng của thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều vấn đề được đặt ra ví dụ như hàng rào phi thuế. Vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu thương mại và đầu tư quốc tế giữ vai trò quyết định đối với hai quốc gia.

Khép lại phiên tham luận, TS Emily Blanchard, PGS, TS Đào Ngọc Tiến và TS Trần Toàn Thắng cùng chia sẻ những nhận định tích cực về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.