Sidebar

Magazine menu

30
Wed, Apr

Trường ĐH Ngoại thương kiến nghị, giải pháp thực hiện Nghị quyết 57: Kết nối các bên để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Hà Nội

Tin hoạt động Kết nối và Phục vụ Cộng đồng

Ngày 15/4/2025, đoàn đại biểu Trường ĐH Ngoại thương do PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường làm Trưởng đoàn đã tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước”.

 

Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường ĐH, cao đẳng Hà Nội phối hợp với ĐH Bách khoa Hà Nội và Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP. Hà Nội tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Vũ Thanh Mai, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, cùng hơn 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng trên cả nước.

Tại hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương đã có bài tham luận với chủ đề “Kết nối các bên để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Hà Nội”, đóng góp nhiều đề xuất thiết thực về vai trò của các cơ sở giáo dục ĐH trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW. Trong bài phát biểu, Thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh rằng việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực trọng tâm giúp nâng cao chất lượng đào tạo, gia tăng năng lực cạnh tranh và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như cả nước.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhận định Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia và khu vực, tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm nghẽn như: thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bên, chưa có trung tâm ĐMST quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt, và nguồn lực còn phân tán. Từ thực tiễn đó, Thầy đề xuất xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một công viên đổi mới sáng tạo mở, đóng vai trò là trung tâm kết nối và chia sẻ nguồn lực giữa các chủ thể trong hệ sinh thái – bao gồm cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường ĐH/viện nghiên cứu, cộng đồng và yếu tố môi trường (mô hình Quintuple Helix).

PGS, TS Bùi Anh Tuấn cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp – học thuật tại Trường ĐH Ngoại thương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác công – tư, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở và việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục hiện đại, liên thông với thị trường lao động. Thầy Hiệu trưởng cũng kiến nghị các cấp chính quyền cần ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô năm 2024 về đổi mới sáng tạo, đồng thời thiết lập Hội đồng điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở để thúc đẩy liên kết, huy động đầu tư và phát huy vai trò tiên phong của Hà Nội trong thực hiện chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng giúp các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Trường ĐH Ngoại thương cam kết sẽ tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hợp tác đa ngành, góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại, hội nhập và đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển quốc gia.