Sidebar

Magazine menu

13
Mon, May

Hội thảo khoa học “Giải quyết thân thiện tranh chấp đầu tư: Hòa giải và phương thức khác”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 11/08/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Giải quyết thân thiện tranh chấp đầu tư: Hòa giải và phương thức khác”.

 

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các nhà nghiên cứu, người làm công tác quản lý nhà nước, công tác ngoại giao, luật sư, giảng viên và sinh viên luật trên cả nước.

Tham dự Hội thảo, về phía Đại diện cho Ban tổ chức hội thảo có Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó chủ tịch VSIL, Thành viên sáng lập và điều hành NHQuang&Associates, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam; Bà Lê Đức Hạnh – Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ủy viên BCH VSIL; Ông Nguyễn Hữu Phú – Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp & Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ủy viên BCH VSIL.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý khoa học; TS Hà Công Anh Bảo – Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó Trưởng Khoa Luật; PGS, TS Ngô Quốc Chiến - Trưởng Bộ môn Pháp Luật cơ sở, Khoa Luật; cùng các giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều luật sư đến từ các đơn vị: LS Đinh Ánh Tuyết – Luật sư Điều hành IDVN Lawyers; LS Nguyễn Tuấn Phát – Giám đốc pháp lý Asia Clean Capital Vietnam; LS Nguyễn Trung Nam – Luật sư điều hành EP Legal; LS Trần Thị Thanh Huyền - Chủ nhiệm CLB Luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam; LS Ngô văn Hiệp – Luật sư điều hành Công ty luật Hiep & Associates; LS Cao Đăng Duy và LS Đào Như Ngọc Linh đến từ Công ty luật Rajah & Tann LCT Lawyers....

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương đã khẳng định cơ chế hoà giải tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước trong các hiệp định đầu tư của Việt Nam, hoà giải tranh chấp đầu tư trong một số lĩnh vực đặc thù trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng chuyển dịch theo khu vực, ngành nghề là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước đang trăn trở. Việc nghiên cứu, trao đổi và đưa ra các phương án hoà giải tranh chấp đầu tư hiệu quả sẽ nâng cao được uy tín về môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút được dòng tiền đầu tư mới, mở rộng đầu tư và giữ lại vốn đầu tư. Hội thảo “Giải quyết thân thiện tranh chấp đầu tư: Hòa giải và phương thức khác” được tổ chức trong khuôn khổ Cuộc thi FDI – MOOT 2023 không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia trao đổi chuyên sâu về khả năng, thực trạng và những vấn đề pháp lý liên quan, mà còn là cơ hội cho sinh viên tiếp thu kiến thức, thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình học tập, rèn luyện trên giảng đường. Đây chính là sự đi đầu về đổi mới sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và rèn kỹ năng cho sinh viên thông qua các cuộc thi của Trường ĐH Ngoại thương nói chung và khoa Luật nói riêng.

Tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Hưng Quang nhấn mạnh: "Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã chỉ ra thực tiễn ở Việt Nam là “cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp hiệu lực, hiệu quả chưa cao, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế”. Do đó, cần cải thiện công tác giải quyết tranh chấp đầu tư, cũng như phòng ngừa, hoà giải tranh chấp đầu tư nhằm nâng cao uy tín về môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó có thể thu hút dòng vốn đầu tư mới, mở rộng đầu tư và giữ lại vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài".

Hội thảo đã diễn ra với hai phiên chính. Tại Phiên 1 với chủ đề "Giải quyết tranh chấp đầu tư bằng hòa giải", các nhà nghiên cứu đã trao đổi về các vấn đề như: Sự phát triển của cơ chế hoà giải tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước trong các hiệp định đầu tư của Việt Nam; tìm kiếm sự cân bằng giữa tính minh bạch và bảo mật của hoà giải tranh chấp đầu tư; Thực tiễn hoà giải các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dầu khí quốc tế; Hoà giải tranh chấp nhà đầu tư và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo....

Phiên 2 với chủ đề "Các cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư" đã được các nhà chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận các vấn đề: Phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư thông qua cơ chế phản hồi thông tin có hệ thống; Đảm bảo quyền tiếp cận công lý của nhà đầu tư thông qua chế định bên thứ ba tài trợ; Cơ chế phòng ngừa trah chấp đầu tư của Brazil và bài học cho Việt Nam;

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và mong muốn tiếp nhận dòng vốn FDI, Hội thảo kỳ vọng đã có nhiều thông tin chia sẻ giúp ích cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như quản lý nhà nước về hoà giải, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư, từ đó hướng đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.