Sidebar

Magazine menu

14
Tue, May

Hội thảo quốc tế (ICGE) năm 2023 “Ổn định kinh tế và chuyển đổi kinh doanh trong một thế giới có những đặc trưng BANI”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 20/4/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế (ICGE) lần thứ hai với chủ đề “Economic stability and business transformation in a BANI world” (“Ổn định kinh tế và chuyển đổi kinh doanh trong một thế giới có những đặc trưng BANI”) với mục tiêu trao đổi học thuật, chia sẻ các nghiên cứu mới liên quan tới ổn định kinh tế và chuyển đổi kinh doanh trong bối cảnh một thế giới có những đặc trưng “Brittle (Dễ đứt gãy), Anxious (Gây nhiều quan ngại), Nonlinear (Phi tuyến tính) and Incomprehensible (Khó nắm bắt) -BANI”.

 

Tham dự Hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại thương có: PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu Trưởng Nhà trường; PGS, TS Tăng Văn Nghĩa - Trưởng Khoa Sau Đại học; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong trường, cùng đông đảo giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh Nhà trường.

Hội thảo có sự hiện diện của diễn giả, học giả và các vị khách quý đến từ ĐH Trento (Ý), Viện Kinh doanh Úc, ĐH Jindal Global (Ấn Độ) và các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.

Hội thảo quốc tế ICGE lần thứ hai là nơi kết nối và chia sẻ khoa học của các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào mạng lưới nghiên cứu, đào tạo ở bậc sau đại học ở nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và những vấn đề học thuật mang tính liên ngành khác. Đây cũng là một diễn đàn chia sẻ khoa học có ý nghĩa đối với các nghiên cứu sinh và học viên cao học của Trường ĐH Ngoại thương và các cơ sở đào tạo khác. Cùng với các nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu sinh và học viên cao học có cơ hội trình bày, chia sẻ ý tưởng cũng như các hướng nghiên cứu mới liên quan đến chủ đề của hội thảo; tiếp nhận các phản biện để hoàn thiện nghiên cứu; nâng cao các kỹ năng trình bày, phản biện; đồng thời có cơ hội được đăng bài toàn văn trên kỷ yếu hội thảo quốc tế (sau khi được phản biện).

Khoa Sau đại học – đơn vị đầu mối tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều nghiên cứu tham dự Hội thảo. Sau quá trình qua quá trình chọn lọc, phản biện, 36 bài viết, nghiên cứu đã được trình bày tại hội thảo. Các bài viết tập trung vào 2 nhóm chủ đề chính, mô tả một bức tranh toàn cảnh về kinh tế và kinh doanh trong bối cảnh một thế giới có những đặc trưng BANI.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhấn mạnh: Là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học tại Việt Nam, Trường ĐH Ngoại thương (FTU) đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội thảo quốc tế ICGE gắn với đào tạo sau đại học. Với chủ đề “Ổn định kinh tế và chuyển đổi kinh doanh trong một thế giới có những đặc trưng BANI”, Hội thảo quốc tế ICGE hứa hẹn trở thành sân chơi kết nối các nhà khoa học, chuyên gia đang tham gia đào tạo sau đại học, kết nối các nghiên cứu và học viên cao học tại nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới và Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và các vấn đề liên ngành khác.

PGS, TS Phạm Thu Hương cho biết, Hội thảo ICGE lần thứ hai đã khẳng định cam kết của Trường ĐH Ngoại thương hướng tới chất lượng đào tạo sau đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhân dịp này, cô cũng gửi lời cảm ơn tới các trường đại học đối tác nước ngoài, người tham dự hội thảo vì sự đồng hành, hỗ trợ với sáng kiến của Nhà trường trong việc tạo lập một nền tảng trao đổi học thuật quốc tế cho các học giả, đặc biệt là các nghiên cứu sinh.

Ngoài các hoạt động trao đổi học thuật, Hội thảo cũng góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và kết nối cho người học, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Trường ĐH Ngoại thương.

Trong phiên toàn thể, hội thảo đã lắng nghe 2 tham luận của 2 diễn giả chính. Tham luận đầu tiên về“Sự bất ổn định, thông tin bất đối xứng, rủi ro và quyết định đầu tư trong thế giới có những đặc trưng BANI” của TS Uwe Kaufmann - Giảng viên cao cấp Viện Kinh doanh Úc. Trình bày nghiên cứu của mình, TS Uwe Kaufmann đã sử dụng những lý thuyết nổi tiếng của các nhà kinh tế học như Adam Smith, Keynes, Frank Knight, Friedrich Hayek và Milton Friedman cũng như các lý thuyết Quả chanh và Thiên Nga đen để minh chứng về ảnh hưởng của sự bất ổn định. Trên cơ sở đó, TS Uwe Kaufmann khuyến nghị các quốc gia và doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đối phó với những rủi ro xuất hiện trong thế giới đầy biến động với những đặc trưng BANI như hiện nay.

Tham luận “Lãnh đạo tiên phong, văn hóa doanh nghiệp và kết quả hoạt động của doanh nghiệp: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm” của PGS, TS Kim Hương Trang - Giảng viên Trường ĐH Ngoại thương. PGS, TS Kim Hương Trang đã nhấn mạnh tác động tích cực của hành vi hợp tác của người quản lý tới kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty nhỏ ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra khuyến nghị về việc người quản lý cần quan tâm đến việc truyền tải các thông tin tới nhân viên đặc biệt trong bối cảnh thế giới có những đặc trưng BANI.

Bên cạnh phiên toàn thể, tại 6 phiên thảo luận song song, các tác giả, trong đó có nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học đã có cơ hội trình bày nội dung nghiên cứu và nhận được rất nhiều nhận xét, góp ý để hoàn thiện bài viết của mình.

Sự thành công của Hội thảo quốc tế (ICGE) lần thứ hai sẽ tiếp tục là cơ sở để Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục triển khai ICGE trong các năm sắp tới, góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Trường.