Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

Những nghiên cứu khoa học nổi bật được công bố trong "FTU Working Paper Series" Quyển 1 Tập 3 năm 2022

Công bố trong nước và quốc tế

Tháng 04/2022, trường ĐH Ngoại thương đã công bố Quyển 1 Tập 3 năm 2022 các bài viết "Working Paper Series".

Tập này gồm 10 bài viết với tác giả chính là các bạn sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Nội dung các bài viết đa dạng, phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề có tính thời sự của nền kinh tế, của đất nước.

Với mong muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, từ năm học 2020 - 2021, trường ĐH Ngoại thương đã tạo lập trang "FTU Working Paper Series" (FWPS), nơi đăng tải và công bố các kết quả nghiên cứu do sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường thực hiện. Các bài viết là các nghiên cứu bước đầu trong các lĩnh vực có liên quan đến chương trình đào tạo của Nhà trường gồm kinh tế, kinh doanh, quản trị, tài chính, ngân hàng, luật, ngôn ngữ và các lĩnh vực liên ngành khác. Việc gửi bài viết, công trình nghiên cứu đăng tải trên FWPS sẽ tạo điều kiện cho sinh viên, học viên của trường ĐH Ngoại thương có cơ hội rèn luyện nâng cao viết và công bố các bài báo khoa học. Các bài viết được công bố tại FWPS cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên trong và ngoài trường. Đồng thời, FWPS còn là nơi khuyến khích trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối học thuật, đồng hành nghiên cứu nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng tới chuyển giao tri thức cho cộng đồng xã hội của người học. Các bài viết được công nhận là một công trình nghiên cứu khoa học của Nhà trường.


Tìm hiểu thêm tại: https://fwps.ftu.edu.vn/

Nghiên cứu “Ảnh hưởng của Hiệp định ASEAN - Hong Kong (AHKFTA) lên ngành thủy hải sản của Việt Nam” của nhóm sinh viên gồm Phan Hoài Thu, Lê Thị An Chinh, Đỗ Thị Khánh Linh - K59 Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Hà Minh Hằng - K59 CLC Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế thực hiện, đã đào sâu tìm hiểu tác động của AHKFTA lên ngành thủy sản Việt Nam, qua đó, đề xuất một số giải pháp khả thi cho sự phát triển của ngành trong bối cảnh mới. Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến các hiệp định thương tự do ngày càng đóng vai trò quyết định để Việt Nam chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thương trường thế giới. Một trong những thành tựu của chúng ta là Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA) giữa Hồng Kông và 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hiệp định thương mại tự do với Hồng Kông đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt đối với xuất khẩu thủy sản nước nhà khi quốc gia này là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Dấu hiệu khả quan đầu tiên là các tăng trưởng về sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy hải sản cũng như các cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng khác. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, hiệp định cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, đặc biệt khi Luật an toàn thực phẩm càng ngày càng được chú trọng và thắt chặt. Những bạn độc giả hứng thú với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là với thị trường Hồng Kông đừng bỏ lỡ nghiên cứu đầy tính mới mẻ thực tiễn của nhóm.


Link bài viết đầy đủ: https://fwps.ftu.edu.vn/2022/04/01/anh-huong-cua-hiep-dinh-asean-hongkong-ahkfta-len-nganh-thuy-hai-san-cua-viet-nam/

Nằm trong số những bài viết tốt được ban biên tập đánh giá cao, nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế Vietcombank của sinh viên trên địa bàn Hà Nội” của nhóm sinh viên Lương Mai Hằng, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phùng Thị Xuân Thủy, Phan Hải Cẩm Tú, Nguyễn Thị Thùy Vân - Sinh viên K58 Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế Trường Đại học Ngoại thương, đã tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế Vietcombank của sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất chiến lược phù hợp để các ngân hàng thu hút nhóm đối tượng tiềm năng này. Chủ đề bài viết mang tính thực tiễn cao, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu giao dịch quốc tế ngày càng tăng, đi kèm với những tiện ích về bảo mật và chi phí, cộng với tình hình đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp đã thu hút sự chú ý của sinh viên đối với phương thức thanh toán qua thẻ ghi nợ quốc tế.

Xem chi tiết bài nghiên cứu tại: https://fwps.ftu.edu.vn/2022/04/01/cac-nhan-to-anh-huong-den-quyet-dinh-su-dung-the-ghi-no-quoc-te-vietcombank-cua-sinh-vien-tren-dia-ban-ha-noi/