Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

Lễ ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa trường ĐH Ngoại thương và Phái đoàn Thường trực Việt Nam Liên Hợp Quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ

Sự kiện tiêu biểu

Ngày 04/11/2022, trong khuôn khổ Dự án chương trình WTO Chairs tại trường ĐH Ngoại thương, Nhà trường đã trang trọng tổ chức Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) ba bên giữa trường ĐH Ngoại thương, Phái đoàn Thường trực Việt Nam Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ (sau đây gọi tắt là ‘Phái đoàn’) và Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Tăng cường hợp tác giữa Chính phủ - Trường Đại học - Doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về Thương mại và Đầu tư”.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự sự kiện có sự hiện diện của ngài Đại sứ Zhang Xiangchen – Phó Tổng Giám đốc WTO, TS Lê Thị Tuyết Mai - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh; Bà Ance Maylany Napitupulu - Tham tán, Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội, Việt Nam; Ông Olam Chanthavilay - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; bà Htar Ei Shwe Yee - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội; bà Shirley Nuevo - Bí thư thứ hai và Lãnh sự, Đại sứ quán Philippines. Ngoài ra, chương trình còn có sự hiện diện của đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Văn phòng Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Kinh tế Quốc tế, Eurocham, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại diện Sở Công thương các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…, đại diện một số Văn phòng luật sư và đại diện của các trường đại học trong và ngoài nước, như: Viện Thương mại Quốc tế (WTI), Đại học Bern, Thụy Sỹ; Đại học Wollongong, Úc; Đại học IAE Aix Marseille, Pháp; Trường Đại học Kinh doanh Lausanne, Thụy Sĩ; Đại học Khoa học Ứng dụng Seinäjoki, Phần Lan; Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học VinUni…


Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng và PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương, lãnh đạo một số đơn vị cùng các giảng viên, cán bộ, sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS, TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng rằng MoU sẽ là nền tảng cho sự hợp tác và gắn kết sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức đào tạo và cơ quan chính phủ, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.

Chia sẻ tại buổi lễ, Đại sứ Zhang Xiangchen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các thỏa thuận của WTO, đặc biệt là những thỏa thuận được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) vào đầu năm nay. Phó tổng giám đốc WTO hoan nghênh sự tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa FTU và Phái đoàn, thể hiện cụ thể qua việc ký kết MoU ngày hôm nay và tin tưởng rằng MoU sẽ đóng góp đáng kể trong việc hoàn thành các mục tiêu chính của Chương trình WTO Chairs của Tổ chức thương mại thế giới.

Dưới sự chứng kiến của các bên liên quan, đại diện trường Đại học Ngoại thương - PGS, TS Phạm Thu Hương và đại diện Phái đoàn – Đại sứ - TS Lê Thị Tuyết Mai, đã cùng ký vào MoU, đánh dấu một bước hợp tác mới giữa hai bên trong các hoạt động của Chương trình WTO Chair tại trường Đại học Ngoại thương.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ sự tin tưởng Trường Đại học Ngoại thương - thông qua chương trình WTO Chair với sự hỗ trợ của Tổ chức thương mại thế giới - sẽ chủ động thúc đẩy sự gắn kết và mang lại thành công cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt thông qua việc bồi dưỡng kiến thức và chuyên môn. Bên cạnh đó, Đại sứ mong đợi Nhà trường sẽ tham gia ngày càng sâu hơn vào việc tư vấn, hoạch định chính sách, góp phần cùng các cơ quan hữu quan giải quyết các thách thức, tăng cường hiệu quả thực thi các cam kết thương mại để mang lại lợi ích cho tất cả các bên.


Tiếp nối Lễ ký kết MoU là Hội thảo Quốc tế “Đẩy mạnh hợp tác giữa Chính phủ - Trường Đại học – Doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết quốc tế về thương mại và đầu tư” thu hút sự quan tâm của đông đảo các bên liên quan. Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo lập một diễn đàn để các bên liên quan cập nhật và nắm bắt các cơ hội và thách thức ngày càng lớn trong việc hoạch định và thực thi chính sách các cam kết quốc tế về thương mại và đầu tư. Hội thảo cũng chỉ ra các phương hướng nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực trong việc hoạch định chính sách và người thực thi chính sách ở cả khu vực công lẫn khu vực tư.

Mở đầu Hội thảo, GS Colin Picker – Trưởng Khoa Kinh doanh và Luật, ĐH Wollongong, Úc đã chia sẻ tham luận với chủ đề “Tăng cường và Cải thiện năng lực và khả năng trong Thương mại và Đầu tư Quốc tế: Những thách thức và Chiến lược cho các quốc gia đang Phát triển”. Trong đó, GS Colin Picker nêu bật tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực và khả năng liên quan đến thương mại để đảm bảo sự hiện diện ngày càng rộng rãi của nhà nước pháp quyền; tăng khả năng dự đoán, minh bạch và bình đẳng và nâng cao khả năng dự báo và phòng vệ thương mại quốc gia.

Bước vào nội dung chính của Hội thảo, phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Thực trạng triển khai các cam kết quốc tế về thương mại và đầu tư” do TS Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý, trường ĐH Ngoại thương, Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu FTU-WCP điều phối.

Phiên thảo luận bắt đầu với bài tham luận về nghiên cứu thực thi các cam kết quốc tế về thương mại và đầu tư của GS. Manfred Elsig - Phó Giám đốc điều hành, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Thương mại thế giới (WTI), Đại học Bern.

Tiếp sau đó là bài tham luận của bà Nguyễn Thị Nhung đến từ Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Tư pháp về việc hợp tác giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc giải quyết các tranh chấp đầu tư. Bài tham luận thứ ba của bà Lê Huyền Trang, giảng viên trường ĐH Ngoại thương về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã kết thúc phiên thảo luận thứ nhất.

Tiếp theo chương trình của hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó trưởng Khoa Luật, Trưởng Tiểu ban Phát triển Chương trình Đào tạo điều hành phiên thứ hai, thảo luận bàn tròn với tiêu đề “Triển vọng tăng cường hợp tác chính phủ-trường đại học-doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về thương mại và đầu tư tại Việt Nam”.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận thứ hai bao gồm Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác, các chuyên gia của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) và Văn phòng Luật…

Cuộc thảo luận bàn tròn đã nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan giúp đảm bảo các quy tắc thương mại quốc tế được thực hiện vì lợi ích của doanh nghiệp và nhấn mạnh rằng Chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp đều đóng vai trò đảm bảo tính hiệu quả của việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Kết quả của Hội thảo được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực và tăng cường sự kết nối giữa các bên liên quan trong hội nhập kinh tế quốc tế kinh tế nói chung và thực thi các cam kết thương mại, đầu tư quốc tế nói riêng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương một lần nữa khẳng định các cam kết quốc tế mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cũng như những thách thức đa dạng và sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc. Hợp tác chiến lược giúp mỗi chủ thể tận dụng thế mạnh và khắc phục hạn chế của mình, đảm bảo ngày càng nhiều lợi ích thu được từ việc tham gia các thỏa thuận quốc tế về thương mại và đầu tư.