Sidebar

Magazine menu

24
Wed, Apr

Tọa đàm khoa học “Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 27/5/2015, Trường Đại học Ngoại thương (Việt Nam) - FTU và Viện thương mại và Phát triển (Thái Lan) - ITD đã phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)”.

Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, UNIDO, các hiệp hội, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS,TS Đào Ngọc Tiến - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Ngoại thương cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN và quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, dự kiến vào cuối năm 2015. Do đó, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được các nước ASEAN ký năm 2009 với mục tiêu hình thành một cơ chế đầu tư thông thoáng và cởi mở trong khu vực.

Buổi tọa đàm đã nghe tham luận của bà Runothai Mahaddhananond, Phó Viện trưởng ITD cho biết, ACIA vẫn chưa được các doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết đến nhiều, ngay cả ở Thái Lan và Việt Nam. ACIA dựa trên 4 trụ cột chính về tự do hóa đầu tư, bảo hộ nhà đầu tư, xúc tiến đầu tư và thuận lợi hóa thủ tục đầu tư, bà Runothai cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với các nước khi thực hiện ACIA, đặc biệt là cân bằng lợi ích của các đối tượng có liên quan.

Tiếp đến là đại diện của Trường Đại học Ngoại thương, TS. Trần Thị Ngọc Quyên đã đi sâu phân tích chính sách đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ. Đây là lĩnh vực rất quan trọng, quyết định đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ, đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ về chính sách thu hút FDI, đảm bảo sự nhất quán giữa chính sách quốc gia với các cam kết quốc tế, nhưng cũng cần duy trì những hạn chế nhất định.

Và bài chia sẻ quan điểm của TS Panutat Satchachai đến từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã phân tích các cơ hội và cản trở đối với FDI ở từng nước ASEAN. Ông đã chỉ ra lợi ích của ACIA đối với tất cả các nước trong khu vực không chỉ trong việc thu hút FDI mà còn đầu tư ra các nước khác.

Cuối chương trình tọa đàm là phiên thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả và đại biểu tham dự về các chính sách và thực hiện ACIA. Trong phiên thảo luận, Ông Ichiro Abe, cố vấn cao cấp của Cục đầu tư nước ngoài đã khẳng định các nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là Nhật Bản rất kỳ vọng vào ACIA sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong khu vực. Ông kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác, phối hợp với nhau để sẵn sàng đón nhận và khai thác hiệu quả luồng vốn FDI, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Nhật Bản trong tương lai.