Sidebar

Magazine menu

01
Fri, Nov

Lan tỏa tinh thần, bản lĩnh và giá trị FTU, đoàn kết, chung sức chiến thắng đại dịch Covid 19

Phòng Chống Dịch COVID 19

LAN TOẢ TINH THẦN, BẢN LĨNH VÀ GIÁ TRỊ FTU, ĐOÀN KẾT, CHUNG SỨC CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID 19.

 Sau 22 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, FTU Times đã có bài phỏng vấn độc quyền với PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường về công tác phòng chống dịch Covid 19 của Trường ĐHNT.

Thưa PGS, TS Bùi Anh Tuấn, đại dịch Covid 19 chắc chắn có nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động cũng như sự vận hành của Nhà trường, vậy thay mặt cho tập thể lãnh đạo trường, Thầy có thể cho một vài ý kiến đánh giá, tổng kết về các mặt công tác của Nhà trường nhằm ứng phó với những diễn biến khó lường và phức tạp của dịch bệnh? 

Đại dịch Covid 19 ập đến với những diễn biến phức tạp và khó lường, được đánh giá là thảm họa y tế toàn cầu. Do vậy, Việt Nam nói chung và Trường Đại học Ngoại thương chúng ta nói riêng đã và đang chịu những tác động không nhỏ. Trong thời gian vừa qua, cả trường triển khai thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ năm học. Nhà trường đã tích cực, chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh. Tập thể lãnh đạo trường ghi nhận và đánh giá cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến thắng đại dịch của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động cũng như các em sinh viên, học viên, NCS của Nhà trường. Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta lại càng thấy rõ tinh thần và nhiệt huyết của mỗi con người FTU, mỗi đơn vị FTU. Đặc biệt, một số đơn vị mặc dù trong điều kiện làm việc không thuận lợi, khối lượng công việc thậm chí còn nhiều hơn, khó khăn và vất vả hơn nhưng đã phát huy được tinh thần sáng tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ, tiêu biểu như Phòng Quản lý Đào tạo, Khoa Đào tạo Trực tuyến và Phát triển nghề nghiệp, Trung tâm Công nghệ thông tin, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Y tế, Phòng TT&QHĐN, Phòng Quản trị thiết bị, Cơ sở 2, Cơ sở Quảng Ninh… Bên cạnh đó là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của BCH Công đoàn, BCH Đoàn thanh niên Nhà trường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học là một trong điểm nổi bật trong thời gian này.

Người xưa thường nói “Cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh đặc biệt, với tinh thần “khác biệt để dẫn đầu”, Trường Đại học Ngoại thương đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể, sáng tạo, được cộng đồng xã hội cũng như báo giới, truyền thông quan tâm và đánh giá cao. Có thể kể đến công tác đào tạo trực tuyến qua các công cụ giảng dạy và học tập online như LMS, MS Team, Google classroom, Zoom meeting, Livestream facebook group… đã được Nhà trường triển khai ngay từ những giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh tại Việt Nam. Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đi tiên phong và có kinh nghiệm trong đào tạo từ xa theo mô hình tiên tiến, do vậy, các thầy cô đã rất nhanh chóng và tích cực tiếp cận, triển khai phương thức đào tạo trực tuyến cho sinh viên hệ chính quy. Nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này, như VNPT hỗ trợ thử nghiệm hệ thống Wifi, Microsoft hỗ trợ Nhà trường cấp tài khoản cài đặt bộ công cụ Microsoft Office 365 cho toàn bộ sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được triển khai trực tuyến với nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn, tọa đàm, hội thảo khoa học được tổ chức dưới hình thức online. Các buổi sinh hoạt công dân giữa khóa dành cho sinh viên thay vì tổ chức học tập trung tại hội trường lớn thì đã được triển khai lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến.

Nếu như bình thường, thời gian này hằng năm là thời gian chúng ta đã tập trung cho công tác tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, công tác tuyển sinh trực tiếp được thay thế bằng các hoạt động tuyển sinh, hướng nghiệp online hiệu quả: chỉ tính riêng buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến vừa qua đã thu hút khoảng 100.000 lượt thí sinh, phụ huynh theo dõi, tương tác và đặt câu hỏi; group facebook tư vấn tuyển sinh dành cho K59 mặc dù mới được lập đã có hơn 7500 thành viên tham gia. Hội đồng tuyển sinh Nhà trường đã kịp thời điều chỉnh phương án tuyển sinh cho phù hợp với những thay đổi trong công tác tuyển sinh Đại học năm nay của Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian này, một cuộc thi dành cho sinh viên Luật với tên gọi “Vietnam CISG Pre-moot 2020” với quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, thu hút sự theo dõi của hàng chục nghìn người xem trên mạng xã hội facebook, đồng thời mở ra triển vọng mới cho việc đưa trải nghiệm trọng tài giả định trực tuyến vào các hoạt động giảng dạy, học tập, các sân chơi học thuật.

Covid 19 vô hình trung đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng môi trường học tập số, nhà trường điện tử tại Trường Đại học Ngoại thương. Trong đại dịch, chúng ta cảm nhận rõ hơn tinh thần vượt khó của các FTUers khi cùng nhau sẻ chia cơ sở dữ liệu, nguồn tài nguyên dạy và học cũng như nhiều sáng kiến kinh nghiệm mới mẻ, phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

Công tác truyền thông cũng có những đóng góp quan trọng vào việc truyền cảm hứng và lan tỏa những giá trị và thương hiệu của Ngoại thương trong nội bộ Nhà trường và tới cộng đồng xã hội thông qua nhiều ý tưởng, sáng kiến độc đáo, điển hình phải kể đến sản phẩm “MV Cover Perfect” tính đến nay đã thu hút được 74.000 lượt xem, 4.500 lượt yêu thích trên kênh YouTube, hơn 3.400 lượt react, 2.100 lượt chia sẻ trên fanpage FTU Times, nhiều cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình lớn như VTV, HTV quan tâm và chia sẻ; bài viết “Tự hào thương hiệu Việt Nam; Tự hào hai tiếng Ngoại thương” thu hút được 1000 lượt react, 1100 lượt chia sẻ; tranh vẽ và thông điệp ý nghĩa của Phó Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Nhà trường gửi động viên các sĩ tử nhận được sự quan tâm và hoan nghênh của đông đảo học sinh, phụ huynh, báo chí và dư luận xã hội... Hệ thống công cụ, kênh truyền thông tích hợp của Nhà trường cũng đã phát huy vai trò và hiệu quả trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về công tác chuẩn bị phòng chống dịch của Nhà trường, có thể kể đến việc Nhà trường đã nhanh chóng lập Chuyên trang Covid 19 trên website Trường với hàng chục bài viết; group “Phòng chống Covid 19 tại Trường Đại học Ngoại thương” với hơn 8000 thành viên tham gia; fanpage FTU Times, FTU Corner và Bản tin nội bộ cập nhật hàng trăm bài viết, hình ảnh về công tác phòng chống dịch của Nhà trường cũng như cả nước, trong đó có nhiều bài có số lượt tương tác lớn chưa từng có.

Trong đại dịch, FTU cũng có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm của Nhà trường với người học, người lao động cũng như cộng đồng xã hội.

Ngay từ những ngày đầu khi xuất hiện dịch tại nước ta, Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 với chế độ họp định kỳ hàng tuần nhằm theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, lên kế hoạch, phương án, kịch bản và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, ban hành các kế hoạch điều chỉnh tiến độ, hình thức giảng dạy và học tập, các văn bản hướng dẫn viên chức và người học cách thức phòng chống dịch theo hướng dẫn và chỉ thị của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, UBND, Ban Chỉ đạo, Sở Y tế và các cơ sở y tế tại TP. Hà Nội, TP. HCM và tỉnh Quảng Ninh.

Phòng Y tế đã phối hợp với Phòng TT&QHĐN, Đoàn thanh niên chuẩn bị hơn 13.000 suất quà gồm khẩu trang và dung dịch sát khuẩn khô để tặng cho sinh viên ngay sau khi hết dịch quay trở lại trường học tập trung. Cán bộ, giảng viên, người lao động Nhà trường cũng thường xuyên được cấp phát khẩu trang và nước rửa tay khô, xà phòng sát khuẩn nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức nhiều lần phun thuốc khử trùng toàn bộ khuôn viên trường, các lớp học và phòng làm việc. Cơ sở 2 tại TP. HCM và Cơ sở Quảng Ninh cũng đã có nhiều phương án phối hợp đồng bộ trong công tác phòng chống dịch.

Nhà trường cũng đã quyết định triển khai gói hỗ trợ tài chính đặc biệt cho sinh viên, chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch thông qua các hình thức như hỗ trợ tài chính tương đương 5% học phí cho toàn bộ sinh viên chính quy ở cả 3 Cơ sở, bổ sung số lượng suất và giá trị học bổng, hỗ trợ cho vay học bổng FTU – Mabuchi với lãi suất 0%, hỗ trợ tiền mặt với các đối tượng sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giãn tiến độ nộp học phí cho toàn bộ sinh viên, học viên. Bên cạnh đó, Nhà trường và Trung tâm CNTT, Khoa ĐTTT&PTNN đã có những chính sách và hoạt động hỗ trợ kịp thời, đồng hành với các giảng viên trong quá trình chuyển đổi sang giảng dạy trực tuyến.

Thực hiện trách nhiệm xã hội của Nhà trường với sự phát triển của cộng đồng, đất nước, nhằm hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức do Covid 19 gây ra, Nhà trường cũng đã xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của Trường ĐHNT (FBSP – FTU Business Support Platform), với các chức năng chính: thông tin – kết nối – tư vấn – đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch, nhanh chóng hướng tới chuyển đổi và thích ứng hiệu quả với những yêu cầu của trạng thái "bình thường mới", tổ chức xã hội mới, nền tảng giá trị, văn hóa và giao tiếp mới, hành vi tiêu dùng và kinh doanh mới.

Công đoàn Nhà trường cũng đã phát động cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn trường quyên góp ủng hộ mỗi người ít nhất 1 ngày lương, qua đó, quyên góp được 230 triệu đồng trao tặng cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Cơ sở Quảng Ninh chung tay làm 1000 tấm chắn ngăn giọt bắn trao tặng Mặt trận Tổ quốc TP. Uông Bí và Bệnh viện dã chiến số 2 ủng hộ công tác phòng chống dịch của tỉnh nhà. Hội cựu sinh viên và Hội Doanh nhân cựu sinh viên Ngoại thương đã trao tặng tiền mặt và quà tặng (mì gói, gạo, nước tương,…) với tổng giá trị 200 triệu đồng để chung tay cùng Thành đoàn TP. HCM và Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch trên khắp 24 Quận/Huyện của TP. HCM.

Đời sống tinh thần của cán bộ, viên chức, người lao động Nhà trường vẫn được quan tâm chăm lo, thể hiện qua việc Hiệu trưởng Nhà trường đã có Thư thăm hỏi cộng đồng FTUers đang sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài ngay trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh; Công đoàn trường năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không thể tổ chức các hoạt động đông người chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nên đã có sáng kiến thực hiện một video âm nhạc thay cho lời muốn nói của tập thể nam cán bộ, viên chức, người lao động gửi tới các chị em với thông điệp dù trong hoàn cảnh đặc biệt nhưng “Today everyday we love you!”.

Một điều rất đáng mừng nữa là mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng Nhà trường vẫn liên tiếp nhận được rất nhiều tin vui đến từ những thành tích của các sinh viên, cựu sinh viên Nhà trường. Trong đó, phải kể đến Nhóm Enzima gồm các sinh viên của FTU tại Cơ sở II TP. HCM giành giải Quán quân Cuộc thi “Hult Prize 2020” khu vực Đông Nam Á để đến với Chương trình đào tạo Accelerator toàn cầu, trở thành ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng trị giá 1 triệu đô la Mỹ của cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất hành tinh; 1 cựu sinh viên lọt top “30 under 30 Asia 2020”: Nguyễn Thị Ngọc Huyền; 3 cựu sinh viên lọt top “30 under 30 Vietnam 2020”: Đặng Hồng Thái, Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Thị Thu Hà; một nhóm start up “Wegrow” gồm 3 sinh viên FTU cho ra mắt bộ sản phẩm về giáo dục giới tính có tên gọi “Rise and Shine” gây ấn tượng giữa mùa dịch Covid 19; các hoạt động thiện nguyện chung tay phòng chống dịch của Hoa hậu Việt Nam Lương Thùy Linh… Đây là niềm tự hào góp phần lan tỏa và làm giàu hơn những giá trị của Ngoại thương.

Bên cạnh đó, nhóm các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc CLB Keieijuku đã tặng 12 ngàn lọ nước sát khuẩn cho thầy và trò Nhà trường để chung tay chống dịch; 1 cựu sinh viên cũng là start up của “Elsa Speak” - Văn Đinh Hồng Vũ tặng miễn phí ứng dụng học Tiếng Anh tại nhà mùa dịch.

Thưa Thầy, dịch bệnh rồi chăc chắn sẽ qua đi, mọi hoạt động rồi sẽ trở lại bình thường, xin thầy cho biết những định hướng phát triển, những thay đổi trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với Trường Đại học Ngoại thương trong thời gian tới.

Đúng vậy, dịch bệnh dù kéo dài thì chắc chắn cũng sẽ qua đi và mọi hoạt động của xã hội sẽ trở lại nhịp sống thường ngày và Ngoại thương chúng ta cũng vậy.

Tuy nhiên dịch bệnh cũng giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn những giá trị cốt lõi của mình, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những thay đổi cần thiết nhằm chủ động ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn với những biến động khó lường và phức tạp của thế giới nói chung và của giáo dục nói riêng trong tương lai.

Dịch bệnh khiến mọi hoạt động, sự vận hành bình thường của Nhà trường bị đảo lộn không hề ít, vì vậy, yêu cầu thay đổi là tất yếu, mỗi cá nhân phải thay đổi và cả hệ thống Nhà trường cũng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp trong định hướng xây dựng và phát triển Nhà trường hướng tới một môi trường giáo dục, hiện đại, thực chất và bền vững hơn nữa, thể hiện cái tâm và cái tầm của những người làm giáo dục.

Người xưa có câu “Trong nguy có cơ”, đúng vậy, với riêng Trường Đại học Ngoại thương, trong mối nguy này, chúng ta nhìn nhận và tìm ra được rất nhiều cơ hội mới cho tương lai phát triển của Nhà trường. Trong ngắn hạn, sự thay đổi có thể gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên hiệu quả về dài hạn là có thể thấy rõ. Đó là cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giáo dục đại học, cơ hội xây dựng một môi trường giảng dạy và học tập tích hợp cả hai phương thức truyền thống và trực tuyến, phát huy thế mạnh tương hỗ của mỗi một hình thức, góp phần xây dựng nhà trường số, cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên. Đây rõ ràng là cơ hội tốt hơn bao giờ hết để đẩy nhanh tiến độ thích ứng với nền giáo dục 4.0.

Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh đó là dịch bệnh khiến cả đất nước ta nói chung và Trường Ngoại thương chúng ta nói riêng phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục có trách nhiệm với con người, với cộng đồng - xã hội, một mái trường nhân văn, nơi ươm mầm, kiến tạo, kết nối và lan tỏa rộng khắp những giá trị tốt đẹp.

Vậy xin Thầy hãy đúc kết tinh thần và bản lĩnh FTU trước, trong và sau đại dịch này và gửi một lời chúc tới tất cả các FTUers.

Dịch bệnh có lẽ là hoàn cảnh vô cùng đặc biệt để chúng ta càng thấy rõ hơn những giá trị, tinh thần và bản lĩnh của Ngoại thương, đó là: đổi mới sáng tạo; tinh thần trách nhiệm với người học, người lao động và cộng đồng xã hội; sự đồng lòng đoàn kết và sự kết nối giữa người dạy với người học, giữa người lao động với Nhà trường và giữa Nhà trường với cộng đồng. Các thế hệ sinh viên chính là những giá trị tuyệt vời nhất mà Ngoại thương có được. Ngoại thương chúng ta tuy “xa mặt” nhưng không “cách lòng”, bản lĩnh mỗi FTUer vẫn luôn vững vàng, trái tim mỗi FTUer vẫn luôn rộng mở và tinh thần mỗi FTUer vẫn luôn tràn đầy. Dù trong bối cảnh “cách ly xã hội” nhưng Nhà trường đã, đang và sẽ chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để chào đón các FTUer sớm quay trở lại trường. Trường Đại học Ngoại thương là ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và luôn mãi là như vậy!

Chúc tất cả các cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên, NCS của Nhà trường sức khỏe, bình an, hạnh phúc, tiếp tục phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những giá trị, tinh thần và bản lĩnh FTU, chung sức, đồng lòng cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid 19 và hướng tới chào mừng FTU 60 năm mạnh mẽ, vươn cao, bay xa hơn nữa.
Hẹn sớm ngày gặp lại!

Hà Nội, ngày 30 tháng 04 năm 2020