Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

Hội thảo UNCITRAL với chủ đề "Hài hòa hóa pháp luật thương mại và triển vọng trong khu vực Asean"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Hội thảo đầu tiên của UNCITRAL được tổ chức tại Việt Nam

Ngày 24/11/2016, Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) đã kết hợp với Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Pháp luật Thương mại Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNCITRAL-RCAP), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế (VBLC) tổ chức thành công Hội thảo UNCITRAL Việt Nam năm 2016 về chủ đề “Hài hòa hóa pháp luật thương mại và triển vọng trong khu vực ASEAN”.

Đây là hội thảo đầu tiên của UNCITRAL được tổ chức tại Việt Nam và cũng hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG hay Công ước Viên năm 1980) vào tháng 12/2015 và sẽ chính thức áp dụng công ước này từ ngày 01/01/2017. 

Đến tham dự hội thảo, có ông João Ribeiro, Giám đốc UNCITRAL-RCAP và giáo sư Ingeborg Schwenzer, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CISG. Về phía các cơ quan nhà nước Việt Nam, có ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương và ông Nguyễn Hữu Huyên – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư Pháp. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới học giả những như những người hành nghề thực tiễn. Hơn 20 diễn giả và 150 đại biểu, bao gồm các chuyên gia quốc tế và khu vực (đến từ Brazil, châu Âu, Australia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Fiji…) cùng các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư, thẩm phán, trọng tài viên, đại diện các hiệp hội, các giảng viên và nhà nghiên cứu trong nước hoạt động trong lĩnh vực pháp luật thương mại nói chung và pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng, đã có cơ hội trình bày, đóng góp, trao đổi và thảo luận một cách thẳng thắn về các chủ đề của hội thảo.

Các chủ đề của hội thảo tạo được sự thu hút lớn của người tham gia

Xoay xung quanh Công ước Viên năm 1980, các chủ đề thảo luận chính của hội thảo tập trung vào năm vấn đề lớn với sáu phiên làm việc về: CISG – một sự lựa chọn pháp luật hiệu quả và các tác động về mặt kinh tế của Công ước này; Soạn thảo hợp đồng theo CISG; áp dụng CISG ngoài hợp đồng mua bán hàng hóa; Áp dụng CISG trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế; Nghĩa vụ giải thích thống nhất CISG và cuối cùng là hài hòa hóa pháp luật thương mại trong khu vực ASEAN.

Ở phiên làm việc đầu tiên về CISG – một sự lựa chọn pháp luật hiệu quả và các tác động về mặt kinh tế của Công ước, các diễn giả quốc tế đã trình bày kinh nghiệm của Brazil và của Singapore trong quá trình phê chuẩn và triển khai áp dụng công ước. Giáo sư Locknie Hsu, đến từ Đại học Quản lý Singapore, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của quá trình tuyên truyền và phổ biến CISG thông qua con đường giáo dục để đảm bảo sự thành công của việc áp dụng công ước. Hai học giả đến từ Việt Nam, ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công Thương và bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI, đã nhắc lại quá trình chuẩn bị phê chuẩn CISG của Việt Nam. Đặc biệt, cả hai diễn giả đều nhất trí khi cho rằng việc Việt Nam gia nhập CISG là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nhất là từ phía các hiệp hội và các cơ quan nghiên cứu với hy vọng CISG sẽ tạo ra “bệ đỡ” pháp lý thống nhất giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản đến từ sự khác biệt trong hệ thống pháp luật các quốc gia, để thành công trên thương trường quốc tế.

Tại phiên làm việc thứ hai, dưới sự chủ tọa của ông Trần Tuấn Phong, chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế, các diễn giả đã thảo luận về chủ đề soạn thảo hợp đồng theo CISG. Đều là các luật sư hành nghề trong lĩnh vực này, các diễn giả đã trình bày và nêu lên những kinh nghiệm cá nhân bổ ích cho các doanh nghiệp trong việc soạn thảo các điều khoản của hợp đồng và áp dụng CISG cho các điều khoản đó để bảo vệ quyền lợi của mình. Đặc biệt, luật sư Nguyễn Trung Nam, đến từ Công ty luật EPLegal đã phân tích cụ thể ba vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng CISG trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, đó là: phạm vi áp dụng, nguyên tắc lấp khoảng trống (gap-filing) và các điều khoản liên quan đến hủy chào hàng, chấp nhận bằng hành động và điều khoản bổ sung chấp nhận chào hàng.

Làm chủ tọa tại phiên làm việc thứ ba, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã cùng với ba diễn giả, ông Cesar Pereira (Công ty luật Justen, Pereira, Oliveira & Talamini, Brazil), ông Đặng Kim Khôi (Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp) và PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc (Trưởng bộ môn Pháp luật Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại Thương, Hà Nội) thảo luận về khả năng áp dụng CISG cho hợp đồng mua sắm chính phủ và hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Cesar Pereira, các hợp đồng mua sắm chính phủ đều thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG, do đó, có thể chọn CISG làm luật áp dụng cho các hợp đồng này. Liên quan đến hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đăng Kim Khôi và PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc lại chia sẻ những khía cạnh khác nhau. Theo PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc, nhiều hợp đồng xuất khẩu các nông sản của Việt Nam (như gạo, cà phê…) đều dẫn chiếu đến các hợp đồng mẫu và quy tắc tố tụng trọng tại của GAFTA mà các văn bản này lại loại trừ áp dụng CISG. PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc cũng chỉ ra rằng, trong khi giao kết các hợp đồng này, doanh nghiệp Việt Nam thường ở thế yếu, do đó, khó có thể thay đổi được nội dung các hợp đồng mẫu cũng như đưa CISG vào làm luật áp dụng. Ngược lại, TS. Đặng Kim Khôi lại chỉ ra một xu hướng mới khi một số loại hợp đồng về mua bán cà phê, rau quả, sữa hay thịt bò được ký kết giữa một số doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài đã và sẽ có khả năng dẫn chiếu CISG làm luật áp dụng.

Song song với phiên làm việc thứ ba, phiên làm việc thứ tư về áp dụng CISG trong trọng tài thương mại quốc tế, dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Mạnh Dũng (thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý VIAC), các diễn giả (giáo sư Fan Yang, Đại học Hong Kong; bà Cari Dee Lee, Luật sư tư vấn, công ty Holman Webb Lawyers, Australia; ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC và bà Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng khoa Luật Thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội) và người tham dự đã thảo luận sôi nổi về thực tiễn áp dụng CISG trong hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói chung và ở một số quốc gia như Hong Kong, Australia và Việt Nam. Các diễn giả đều thống nhất cho rằng CISG thường được các trọng tài viện dẫn đến áp dụng trong trường hợp các bên không thống nhất được luật áp dụng.

Ở phiên làm việc thứ năm, giáo sư Ingeborg Shwenser đã cùng ba diễn giả, TS. Nguyễn Minh Hằng, trưởng khoa Luật Đại học Ngoại Thương, ông Nguyễn Công Phú, thẩm phán Tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Nhung đến từ Bộ Tư pháp phân tích và thảo luận về nghĩa vụ diễn giải thống nhất CISG trong quá trình áp dụng, nhất là để giải quyết các tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài. TS. Nguyễn Minh Hằng, từ việc nhắc lại các nguyên tắc diễn giải được nêu tại điều 7 của CISG, đã phân tích một số vụ việc điển hình và nhấn mạnh đến sự khác biệt trong cách tiếp cận của tòa án và trọng tài liên quan đến diễn giải CISG. Đối với tòa án, họ thường viện dẫn đến luật quốc gia, trong khi trọng tài lại viện dẫn đến Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế hay các tập quán quốc tế để diễn giải CISG. Tiếp đó, ông Nguyễn Công Phú đã trình bày một số vấn đề thực tiễn trong quá trình giải thích điều ước quốc tế tại tòa án Việt Nam và nhấn mạnh đến những khó khăn mà tòa án Việt Nam có thể sẽ gặp phải khi diễn giải và áp dụng CISG để giải quyết các tranh chấp có liên quan. Bà Nguyễn Thị Nhung cũng đã giới thiệu về những hoạt động mà Chính phủ hay Bộ Tư pháp Việt Nam triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng CISG nói riêng và các điều ước quốc tế khác nói chung.

Các phiên làm việc đều nhận được sự tham gia thảo luận sôi nổi của các học giả và đại diện doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi đến từ các doanh nghiệp liên quan đến lợi ích của việc viện dẫn CISG làm luật áp dụng cho hợp đồng, đến mối quan hệ giữa CISG với nội luật, đến khả năng áp dụng luật Việt Nam cho các vấn đề mà CISG không giải quyết… đã được các diễn giả trả lời, góp phần thống nhất cách hiểu về một số vấn đề quan trọng trong quá trình áp dụng CISG trong cộng đồng doanh nghiệp.

Cơ hội hài hòa hóa pháp luật thương mại trong khu vực ASEAN

“Một đội bóng không thể chỉ có một cầu thủ chơi bóng”, do đó, việc hài hóa hóa pháp luật thương mại của ASEAN là một trong những vấn đề cốt lõi thúc đẩy quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Hội thảo đã dành phiên thảo luận cuối cùng và bài phát biểu bế mạc để thảo luận về câu hỏi này. Với chủ đề “CISG tạo nên sự hài hòa về pháp luật hợp đồng trong ASEAN”, ông João Ribeiro, giám đốc UNCITRA-RCAP đã cùng các diễn giả đề cập đến khả năng thống nhất luật thương mại và luật hợp đồng trong ASEAN. Các diễn giả đều cho rằng việc hài hòa hóa và sau đó là thống nhất luật hợp đồng là những bước đi cần thiết, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thành lập. Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Jenny Clift, Ban thư ký UNCITRAL nhấn mạnh đến việc khi ASEAN chưa thể tiến tới quá trình thống nhất luật thực chất như của EU hay OHADA, các công cụ pháp lý quốc tế của UNCITRAL hay UNIDROIT có thể giúp các quốc gia này hài hòa hóa pháp luật trong nước. Trên cơ sở đó, bà Jenny Clift đã giới thiệu về đề xuất chung của UNCITRAL, HccH và UNIDROIT về hợp tác trong lĩnh vực luật hợp đồng thương mại quốc tế mà những kết quả của nó không chỉ giúp hài hòa pháp luật hợp đồng thương mại ở phạm vi quốc tế mà các quốc gia ASEAN cũng có thể sử dụng để đảm bảo quá trình hài hòa hóa pháp luật kinh doanh – thương mại của mình.

Hội thảo UNCITRAL Việt Nam 2016 đã kết thúc và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với những người tham dự. Những kết quả đạt được thông qua quá trình thảo luận cởi mở cũng như với những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, Hội thảo hy vọng sẽ tạo nên được những hiệu ứng tốt đẹp giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về nội dung của CISG, giúp họ tự tin trong quá trình viện dẫn CISG khi đàm phán và thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế của mình. Hội thảo cũng đã mở ra những cơ hội hợp tác giữa Đại học Ngoại Thương và các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, hiệp hội và cộng động doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại tại Việt Nam cũng như trong các nghiên cứu về hài hòa hóa pháp luật thương mại tại ASEAN.

Khoa Luật