Sidebar

Magazine menu

19
Tue, Mar

PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch HĐT tham dự Hội nghị tham vấn các Trường ĐH thành viên xây dựng chiến lược của Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF)

Hợp tác quốc tế

Ngày 08/07/2020, nhằm tiếp thu các ý kiến, hiến kế xây dựng chiến lược phát triển của Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF) trong giai đoạn sắp tới, Ban Thư ký AUF, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức Hội nghị tham vấn Hiệu trưởng các Trường Đại học thành viên.

Đại diện Trường ĐHNT tham dự Hội nghị có PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch HĐT và TS. Bùi Duy Linh - Phó Trưởng Phòng HTQT.

Tại hội nghị, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Trường ĐHNT cũng như tham vấn chính sách cho AUF về một số vấn đề như: số hóa trong đào tạo của các cơ sở GDĐH thông qua phương thức đào tạo trực tuyến blended learning; phát triển các chương trình đào tạo liên ngành kết hợp giữa khối ngành Kinh tế - Kinh doanh với khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ; đưa các nội dung về Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo vào các môn học của chương trình đào tạo. Cô cũng bày tỏ kỳ vọng AUF sẽ là nơi hỗ trợ kết nối, chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm giữa các Trường Đại học thành viên của Hiệp hội.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Trường Đại học thành viên đã chỉ rõ những thành tựu cũng như những hạn chế còn tồn tại của AUF trong suốt thời gian qua, đồng thời cũng đã tham mưu nhiều ý tưởng, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực, hiệu quả nhằm hiến kế xây dựng chiến lược của AUF cũng như giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của các Trường Đại học thành viên trên nhiều mặt như: Đào tạo; Nghiên cứu khoa học; Quản trị Đại học, Quốc tế hóa và Số hóa trong giáo dục Đại học. Có thể kể đến các vấn đề như: Phát triển hệ thống chương trình đào tạo kết nối bên trong và bên ngoài AUF; Hỗ trợ chi phí cho các chương trình đào tạo liên kết giữa các trường Đại học thành viên với các trường Đại học của Pháp; Mở rộng và phát triển mạng lưới kết nối giữa nhóm các trường Đại học trong cùng một khối ngành cũng như liên ngành; Quốc tế hóa các chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, sinh viên cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên; Liên kết với thị trường lao động và việc làm của các Doanh nghiệp Pháp ngữ; Hỗ trợ về quản trị Đại học cho Hội đồng Trường cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản trị giữa các trường Đại học thành viên; Hỗ trợ học bổng học tập và nghiên cứu cho cả sinh viên và giảng viên khối Pháp ngữ; Hỗ trợ thực hiện các chương trình nghiên cứu chung, đồng hướng dẫn liên vùng và liên ngành; Ghi nhận các công bố quốc tế của giảng viên và sinh viên trên các tạp chí khoa học của cộng đồng Pháp ngữ; Chia sẻ tài nguyên, học liệu chung giữa các trường Đại học thành viên; Số hóa trong quản trị và quản lý sinh viên, giảng viên...

Nhằm nâng cao vai trò và sự hiện diện của cộng đồng Pháp ngữ tại Việt Nam, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo như: Tham mưu chính sách về tăng cường vai trò của Pháp ngữ cho các cơ quan quản lý Nhà nước; Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giảng dạy Tiếng Pháp nhằm xây dựng hình ảnh những "thần tượng Pháp ngữ" vừa có năng lực vừa có đam mê với ngôn ngữ và văn hóa Pháp; Hỗ trợ kinh phí cho các chương trình đặc biệt về Pháp ngữ; Tổ chức thường niên các sự kiện văn hóa - thể thao, ngày hội việc làm, ngày hội du học Pháp nhằm tôn vinh Tiếng Pháp; Tăng cường các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa Pháp tạo sức hút đối với giới trẻ; Có nhiều hình thức động viên, khuyến khích thiết thực như tạo quỹ học bổng đào tạo, nghiên cứu cũng như cam kết đầu ra về việc làm cho sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh khối Pháp ngữ; Tăng cường sự hiện diện và liên kết của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam; Xây dựng mạng lưới kết nối cựu sinh viên AUF; Chú trọng nhiều hơn nữa vào công tác truyền thông nhằm lan tỏa rộng rãi các giá trị của cộng đồng Pháp ngữ tới cộng đồng - xã hội...