Sidebar

Magazine menu

19
Tue, Mar

Trường Đại học Ngoại Thương đổi mới để phát triển

Sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục và các giá trị cốt lõi

Trường Đại học Ngoại Thương đổi mới để phát triển.

Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, ngành đào tạo đại học của Việt Nam nói chung và Trường Đại học Ngoại thương nói riêng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế xã hội và đường lối chủ động hội nhập của đất nước. Năm 1990, có thể nói là cột mốc đánh dấu sự đổi mới toàn diện của Trường Đại học Ngoại thương.
Những nét đổi mới của Trường Đại học Ngoại thương trong gần 30 năm qua được thể hiện ở các mặt chủ yếu sau:
Đổi mới về nhận thức và tư duy: Trước đây, công tác đào tạo cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc kế hoạch hóa và Nhà nước nắm độc quyền Ngoại thương. Sinh viên tốt nghiệp của Trường do Bộ Ngoại Thương phân công nơi công tác. Do vậy, mục tiêu, nội dung chương trình, thời gian và kế hoạch đào tạo của Trường triển khai thực hiện một cách rất cứng nhắc. Tình hình kinh tế xã hội thay đổi nhiều mặt do thực hiện đường lối đổi mới, đòi hỏi Nhà trường phải có những thay đổi về nhận thức và tư duy trong mọi hoạt động của mình. Nhà trường phải đào tạo ra những sản phẩm mà xã hội đang cần và phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế xã hội đang chuyển biến mạnh mẽ sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư duy đào tạo cán bộ chuyên ngành hẹp trước đây không còn phù hợp với thực tiễn. Nhà trường đã kịp thời chuyển sang đào tạo theo chuyên ngành diện rộng nhằm tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và dễ thích nghi với cơ chế thị trường lao động trong nước và quốc tế trong điều kiện mới. Từ năm 2015, Trường được Thủ tướng Chính phủ giao thí điểm tự chủ hoàn toàn về các mặt đào tạo, tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất... Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho Trường Đại học Ngoại thương phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Đổi mới về nhận thức và tư duy là yếu tố quyết định sự phát triển có chất lượng và bền vững của Nhà trường trong suốt thời gian vừa qua.
Đổi mới về ngành, chuyên ngành và cấp đào tạo: Những năm trước đây, Trường Đại học Ngoại thương là một Trường Đại học đơn ngành và chỉ đào tạo duy nhất một chuyên ngành là Nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Đến nay, Trường Đại học Ngoại Thương đã trở thành Trường đại học đa ngành và đa chuyên ngành đào tạo.
Hiện tại, Trường đang đào tạo 11 ngành gồm: Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Luật, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Pháp.
Từ một Trường chỉ đào tạo một cấp học (Đại học), nay Trường được phép đào tạo hoàn chỉnh các cấp học: Liên thông đại học, Đại học và Sau Đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ).
Đổi mới về quy mô, phạm vi và chất lượng đào tạo: Bước vào thời kỳ đổi mới, quy mô đào tạo của Trường đã tăng nhiều lần so với thời kỳ mới thành lập và những năm 60, 70. Cho đến nay, hàng năm, Nhà trường đã đào tạo được khoảng 4000 sinh viên hệ đại học chính quy thuộc các chuyên ngành đào tạo khác nhau. Từ năm 1983, Trường bắt đầu được phép đào tạo Sau Đại học. Ngoài ra, Trường còn thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho hàng vạn cán bộ của cả nước. Trường Đại học Ngoại thương đã thực sự trở thành nơi cung cấp và bổ sung quan trọng và chủ yếu nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, luật, ngôn ngữ thương mại góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Phạm vi đào tạo của Nhà trường cũng ngày càng được mở rộng. Năm 1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập Cơ sở II của Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một sự kiện rất quan trọng để Nhà trường mở rộng địa bàn đào tạo cán bộ kinh tế đối ngoại cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong hơn 10 năm qua, Cơ sở II của Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được hàng ngàn cán bộ cung cấp một lực lượng không nhỏ cán bộ kinh tế đối ngoại cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Năm 2009, Trường tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo ra khu vực Đông Bắc với việc thành lập Cơ sở Quảng Ninh trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nông Lâm Ngư nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Tổng lưu lượng sinh viên của Trường (gồm cả 2 cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh) hàng năm trung bình vào khoảng trên 20.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh thuộc các loại hình và các chuyên ngành đào tạo.
Chất lượng đào tạo và bồi dưỡng của Trường Đại học Ngoại thương đã và đang được xã hội đánh giá cao. Sinh viên tốt nghiệp ra Trường đều có phẩm chất chính trị tốt, kiến thức chuyên môn vững vàng, thành thạo nhiều ngoại ngữ, có sức khỏe tốt và có khả năng vận dụng sáng tạo các kiến thức vào thực tiễn công tác, có kỹ năng nghề nghiệp và tâm thế sẵn sàng phục vụ cộng đồng, xã hội. Điều này đã được minh chứng qua tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt tỷ lệ cao (94% ra trường có việc làm, 4% sinh viên học tiếp), rất nhiều cựu sinh viên của Trường đã và đang giữ những vị trí trọng trách tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều cựu sinh viên trở thành những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực …
Đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo: Đây là sự đổi mới có tính quyết định đến chất lượng đào tạo và nâng cao vị trí và uy tín của Nhà trường. Một mặt, tôn trọng và thực hiện nghiêm túc chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bắt buộc đối với các Trường đại học thuộc khối kinh tế, mặt khác Trường nghiên cứu cải tiến và đổi mới nội dung chương trình phần kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành theo hướng “mềm hóa”. Đối với chuyên ngành đào tạo cũ, nội dung chương trình được đổi mới theo hướng sửa đổi, bổ sung những kiến thức hiện đại vào các môn học chính và thêm một số môn học mới cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và dự báo nhu cầu của xã hội, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của từng ngành học, thường xuyên được cập nhật phù hợp với thực tiễn xã hội. Các điều kiện đảm bảo chất lượng bao gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, môi trường học tập và nghiên cứu quốc tế năng động, phòng học, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, hệ thống thư viện, sách, giáo trình, hệ thống thông tin, cảnh quan môi trường, nguồn lực tài chính… được Nhà trường chú trọng đầu tư đáp ứng tốt nhất cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh các chương trình đào tạo tiêu chuẩn, Trường Đại học Ngoại thương còn có các chương trình đào tạo hệ chính quy bậc đại học bằng tiếng Anh được công nhận bởi các cơ sở giáo dục Đại học, các tổ chức quốc tế uy tín gồm: 3 chương trình tiên tiến, 5 chương trình chất lượng cao, 3 chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế. Đây là các chương trình đào tạo được xây dựng nhằm cung cấp kiến thức hiện đại, cập nhật, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, hình thành tâm thế sẵn sàng thích nghi với những biến đổi của môi trường kinh tế - xã hội, giúp người học hội đủ các điều kiện để trở thành công dân toàn cầu. Chương trình có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia, giảng viên nước ngoài, cộng đồng tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Một tiến bộ lớn trong đổi mới về nội dung chương trình đào tạo là tất cả các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành của Trường đều đã viết và xuất bản được giáo trình. Tình trạng “giảng chay, học chay” đã được khắc phục hoàn toàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá Trường Đại học Ngoại thương là một trong các Trường Đại học có đủ giáo trình các môn chuyên ngành phục vụ tốt việc học tập của sinh viên.
Đi đôi với đổi mới nội dung chương trình là việc đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Một số phương pháp giảng dạy hiện đại như: “giảng dạy theo tình huống”, “giảng dạy qua hệ thống máy vi tính”…đã được sử dụng trong Nhà trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong thời gian vừa qua. Công tác quản lý đào tạo và các mặt hoạt động khác có một ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý mọi hoạt động như: quản lý tuyển sinh, quản lý học tập của sinh viên, quản lý cán bộ viên chức, quản lý thư viện… Các hệ thống quản lý này đã nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, nhanh chóng và công khai minh bạch các hoạt động của Nhà trường.
Đổi mới về nghiên cứu khoa học: Nhà trường đã xây dựng được cơ chế và chế tài trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường, thành lập 24 nhóm nghiên cứu với 4 hướng nghiên cứu chính gồm: kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; đổi mới thể chế kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tái cấu trúc tài chính và hành vi doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên, cán bộ và sinh viên trong những năm gần đây đã đạt được những thành tích nổi bật. Hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở đã được nghiệm thu và đạt loại xuất sắc, hàng nghìn bài báo được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, hàng trăm đầu sách giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo đã được xuất bản, hàng trăm hội thảo khoa học các cấp và hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức. Kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Mặt khác, các đề tài nghiên cứu khoa học của Trường cũng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực chính sách, luật pháp, quản lý, kinh doanh và chủ động hội nhập của nước ta.
Đổi mới về hợp tác phát triển: Trong những năm đổi mới, việc quản lý công tác hợp tác phát triển của Nhà trường cũng được quan tâm và tăng cường. Do đó, quan hệ hợp tác giảng dạy và học tập với các trường đại học danh tiếng của nhiều nước trên thế giới đã được mở rộng và đạt kết quả tốt. Mạng lưới đối tác lên tới hơn 185 trường đại học, tổ chức giáo dục đến từ gần 30 quốc gia trên toàn cầu. Hàng năm tiếp nhận khoảng 800 sinh viên quốc tế đến học tập trao đổi ngắn hạn và 160 sinh viên đến học tập từ 1 kỳ đến 1 năm các chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh.
Mỗi năm, lãnh đạo Nhà trường có hàng trăm cuộc tiếp xúc, trao đổi, ký kết hàng chục các thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế cũng như ký kết thỏa thuận hợp tác với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều mô hình hợp tác như: chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp, hợp tác đào tạo gắn kết với thực tiễn, tài trợ học bổng và các khóa học cho sinh viên, tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học, các cuộc thi, dự án khởi nghiệp của sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp... Thường niên Nhà trường tổ chức Diễn đàn Quốc tế hóa giáo dục Đại học và Diễn đàn Hợp tác giữa Doanh nghiệp và Nhà trường.