Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH 60/2021/NĐ-CP VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Văn bản - Quy định

Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định 60/2021/NĐ-CP về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: xem chi tiết tại đây!

Nghị định đã cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý tài sản công; đặc biệt là đã khắc phục được những tồn tại hạn chế trong triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trước đây, đặc biệt gắn việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước với cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới.
Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP như sau:

1. Nghị định đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW; theo đó, sửa đổi về cơ chế tính toán, chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính.

2. Sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và nguyên tắc ngân sách nhà nước hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập. Trước đây, việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị chưa phân biệt theo mức độ tự chủ về nguồn thu và nhiệm vụ chi các hoạt động dịch vụ. Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã quy định việc phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao và thực hiện theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

3. Quy định về hoạt động liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định cụ thể đối với liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới và không thành lập pháp nhân mới.

4. Bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp, trong đó, đã quy định một số nội dung đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế- dân số và lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

5. Quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tách rõ nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (gồm thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản công). Trong đó, ngoài những quy định áp dụng chung, Nghị định đã quy định 1 Chương riêng về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp để điều chỉnh những nội dung mang tính đặc thù của 2 lĩnh vực này.

6. Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Nghị định quy định cụ thể nguồn tài chính có tính chất đặc thù của lĩnh vực (như kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên; thu học phí theo quy định của pháp luật, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ). Đồng thời, cho phép đơn vị căn cứ khả năng nguồn tài chính được thực hiện trích lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên.