Sidebar

Magazine menu

26
Fri, Apr

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam về vấn đề tự chủ đại học

Sự kiện tiêu biểu

Chương trình “Góc nhìn đại biểu: Cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn từ tự chủ Đại học” của Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện phóng sự và phỏng vấn PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường về vấn đề tự chủ Đại học tại Trường Đại học Ngoại thương

Link video (xem từ phút 1:00 đến phút 6:05)!

Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường Đại học tiên phong thực hiện thí điểm tự chủ từ năm 2005. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 751 cho phép nhà trường được thực hiện đề án thí điểm tự chủ toàn diện trên cơ sở Nghị quyết số 77 của Chính phủ. Như vậy, quá trình tự chủ của Trường Đại học Ngoại thương đã được 15 năm và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2005 – 2015 với việc thực hiện lộ trình cắt giảm dần kinh phí chi thường xuyên và thực hiện thí điểm tự chủ trên một số mặt hoạt động. Giai đoạn 2 là từ năm 2015 đến nay, nhà trường thực hiện đề án thí điểm tự chủ toàn diện theo Quyết định 751 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng và thực hiện Đề án tự chủ với các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, bước đi rõ ràng và cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm học. Để thực hiện tự chủ, việc quan trọng đối với nhà trường là thay đổi nhận thức của cán bộ giảng viên, sinh viên, tạo được sự đồng thuận trong nội bộ nhà trường.

Quá trình 15 năm thực hiện thí điểm tự chủ của Trường Đại học Ngoại thương cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, của cán bộ giảng viên nhà trường, sự chia sẻ và phối hợp hành động của sinh viên cho đến nay, nhà trường đã thực hiện thành công Đề án thí điểm tự chủ toàn diện, thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Đề án. Nhà trường phát triển ổn định, bền vững; chất lượng đào tạo được nâng cao; các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường.

Trong giai đoạn vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương đã đi tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế, xây dựng môi trường quốc tế trong học tập và nghiên cứu, phát triển nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và tổ chức nghề nghiệp quốc tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được phát triển mạnh. Môi trường làm việc, đời sống của cán bộ viên chức và người lao động luôn được cải thiện; nhà trường không chỉ bù đắp được chi thường xuyên, chi phí đầu tư mà còn có tích lũy cho sự phát triển của nhà trường.

Với việc tăng học phí theo lộ trình, nhà trường đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên, xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên, quỹ hỗ trợ tín dụng cho sinh viên một mặt đảm bảo cho sinh viên, học viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập tại trường, mặt khác khuyến khích các phong trào rèn luyện, học tập của các sinh viên. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển cho phù hợp hơn với bối cảnh mới, cũng như đưa ra được những đột phá để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Khi mới đầu thực hiện tự chủ, nhiều trường Đại học công lập e ngại việc giảm được cấp kinh phí hay không được cung cấp ngân sách từ Nhà nước thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, trên thực tế, sau khi được tự chủ, nhiều trường cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và là xu thế tất yếu của thế giới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phải khẳng định rằng, qua quá trình thí điểm tự chủ cho đến nay, các trường Đại học công lập vẫn còn gặp phải những vướng mắc về quản lý, sử dụng tài sản công nên rất khó phát huy hiệu quả nguồn lực này.

Theo ông Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, giai đoạn khó khăn nhất để các trường Đại học tự chủ là thời gian đầu khi triển khai thí điểm cơ chế, mô hình tự chủ. Cho đến nay, những nội dung liên quan đến tự chủ Đại học đã được tổng kết, đánh giá và đã được đưa vào Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các trường thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các trường Đại học vẫn còn gặp một số khó khăn cần tiếp tục vượt qua. Cụ thể, mặc dù Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi) nhưng giữa những luật này với hệ thống các luật khác nhìn chung vẫn chưa có sự đồng bộ.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, để một trường Đại học công lập tự chủ hiệu quả thì không chỉ thực hiện Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức, Viên chức...

Do vậy, khi thực hiện Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) thì cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật. Ngoài ra, việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập Hội đồng trường; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường Đại học; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam về vấn đề tự chủ đại học