Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

Kiểm định chất lượng và những giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo của Trường đại học Ngoại thương

Sự kiện tiêu biểu

Trường đại học Ngoại thương (ĐHNT) là cơ sở nòng cốt về đào tạo kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, luật, ngoại ngữ thương mại, là nơi phổ biến tri thức khoa học, nghề nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Trường ĐHNT luôn là trường đi đầu trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, thí điểm nhiều mô hình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Là một trong năm trường đại học công lập đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ tài chính từ năm 200 , sau 10 năm triển khai thí điểm tự chủ tài chính, Trường ĐHNT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tại Trường đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 - 2017” tại Quyết định số 751/QĐ-CP ngày 02/06/2015. Đây còn được gọi là Đề án tự chủ giáo dục đại học của Trường ĐHNT. Đề án đã mở ra một trang mới trong quá trình phát triển của Trường ĐHNT. Việc triển khai Đề án bước đầu đã làm thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quản trị đại học, tạo nền tảng cho việc đổi mới căn bản trong giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Hiện nay, Trường ĐHNT có 11 ngành với 17 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, 8 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 2 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Trường có 24 chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài ở trình độ đại học, thạc sĩ. Bên cạnh trụ sở chính ở Hà Nội, trường còn có hai cơ sở đào tạo tại TP Hồ Chí Minh và tại Quảng Ninh. Tổng số sinh viên toàn trường khoảng 18 nghìn tại tất cả các trình độ và các hình thức đào tạo, trong đó số sinh viên đại học chính quy khoảng 15 nghìn. Trường ĐHNT không chỉ là đơn vị đi đầu trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, mà luôn coi bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng là một trong những giải pháp hữu hiệu, có tính chiến lược để nâng cao chất lượng của nhà trường.

Trường ĐHNT thường xuyên tự đánh giá, cải tiến chất lượng mọi mặt hoạt động của nhà trường; chủ động duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; phòng học, phòng làm việc, thư viện, hệ thống thông tin, phòng thực hành và nguồn lực tài chính…).

Tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức nhà trường luôn thể hiện nhất quán quan điểm rằng, bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng phải là vấn đề quan tâm và thực hiện nghiêm túc, tự giác của tất cả thành viên trong nhà trường. Bảo đảm chất lượng chỉ có thể thực hiện khi từng người, từng đơn vị trong trường hiểu rõ, quan tâm và có trách nhiệm đối với chất lượng; phối hợp nhịp nhàng, thống nhất nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người học và thật sự vì người học. Kiểm định chất lượng không chỉ là cuộc “khám tổng thể” nhà trường mà còn thể hiện trách nhiệm giải trình của nhà trường với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo.

Thực hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã sớm đăng ký, thực hiện kiểm định chất lượng của nhà trường theo 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí đánh giá chất lượng trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sứ mạng, mục tiêu; tổ chức và quản lý; chương trình đào tạo (CTĐT); hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; người học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác; tài chính và quản lý tài chính) và là một trong 12 trường đại học đầu tiên nhận giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài những điểm mạnh tương ứng với 10 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, Đoàn đánh giá ngoài cũng đã chỉ ra một số điểm mạnh về đào tạo của nhà trường như: (i) các ngành đào tạo được phát triển theo hướng mở rộng các chuyên ngành, tăng tính quốc tế hóa; các CTĐT có khối kiến thức đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng tương ứng với mỗi cấp độ đào tạo; các CTĐT có tính liên thông cùng cấp độ và liên thông dọc giữa CTĐT bậc đại học và sau đại học; (ii) nhà trường có nhiều hình thức và loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; (iii) tỷ lệ sinh viên chính quy tốt nghiệp của Trường ĐHNT có việc làm sau một năm tốt nghiệp là 96,9%; sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHNT luôn được đánh giá cao bởi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích ứng trong môi trường biến đổi, tư duy sáng tạo; (iv) nhà trường quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường rèn luyện và phát triển toàn diện cho sinh viên; trong phạm vi toàn trường đã có gần 80 câu lạc bộ của sinh viên bao gồm câu lạc bộ chuyên môn và câu lạc bộ theo sở thích....

Kết quả kiểm định chất lượng, một lần nữa, đã khẳng định vị thế, uy tín và chất lượng giáo dục của Trường ĐHNT; khẳng định nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức nhà trường trong bối cảnh biến động, nhiều khó khăn, mới ổn định; góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm chất lượng của cán bộ, giảng viên của nhà trường và là đòn bẩy quan trọng giúp nhà trường cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục hướng tới tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà trường đã xây dựng Kế hoạch tổng thể cải tiến chất lượng nhà trường với những giải pháp đột phá như: (1) rà roát, điều chỉnh Chiến lược phát triển của nhà trường; (2) tăng cường năng lực bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng cho đội ngũ cán bộ, viên chức của nhà trường; (3) triển khai các chương trình nghiên cứu và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; (4) nghiên cứu, thí điểm các mô hình hợp tác điển hình với các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu; (5) kiểm định một số chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; (6) hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng chuẩn khu vực, quốc tế và một số trường đại học tiên tiến trên thế giới; (7) áp dụng các phương thức quản trị đại học hiện đại...

Có thể nói, việc triển khai công tác kiểm định chất lượng trong bối cánh nhà trường vừa trải qua một khoảng thời gian với nhiều khó khăn, một lần nữa, thể hiện nỗ lực, quyết tập của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của nhà trường trong việc lấy bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng làm động lực để đổi mới, phát triển bền vững. Để không ngừng nâng cao uy tín của nhà trường trong nước, khu vực và quốc tế, Trường ĐHNT tiếp tục thực hiện cải tiến liên tục, đổi mới trong cơ chế hoạt động; tăng cường hội nhập theo hướng phát triển chương trình theo chuẩn quốc tế và khu vực cùng với triển khai những hoạt động công nhận quốc tế và chuẩn bị kiểm định quốc tế.

Nguồn: nhandan.com.vn